tháng 7 2016


​Các nhà khởi nghiệp thường mắc phải nhiều sai lầm khiến họ thất bại hoặc chậm phát triển. Hãy rút kinh nghiệm từ 18 sai lầm thường mắc phải được Founders and Funders tổng hợp dưới đây nhé

1. Khởi nghiệp một mình
Không phải là một sự trùng lặp ngẫu nhiên khi các công ty khởi nghiệp thành công đều được sáng lập bởi ít nhất 2 người. Muốn thành công và có nhiều nguồn tài trợ, bạn đừng bao giờ khởi nghiệp một mình.

2. Đặt công ty ở địa điểm không tốt
Bạn có thể thay đổi bất cứ chi tiết nào của ngôi nhà nhưng không thể cải thiện được địa điểm đặt công ty của bạn.
Bạn có một trụ sở hoành tráng, nội thất sang trọng nhưng lại đặt ở khu vực có giao thông khó khăn, an ninh kém hoặc có ấn tượng không tốt với các đối tác, những nỗ lực khác của bạn gần như vô nghĩa.

Hãy chọn địa điểm tốt, nơi những công ty lớn đang đặt trụ sở. Họ chắc chắn đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đo lường các thông số để lựa chọn một địa điểm phù hợp.

3. Chọn thị trường ngách quá hẹp
Bằng việc chọn thị trường ngách quá hẹp, các nhà khởi nghiệp đang tự gây khó khăn cho mình. Tất nhiên, bạn mong muốn tìm một thị trường ít cạnh tranh để khởi sự, tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn thông minh.

4. Bắt chước ý tưởng, sản phẩm đã có
Đây là một sai lầm phổ biến của khi khởi nghiệp. Bạn không đủ dũng cảm để thực hiện những khác biệt. Thay vào đó, bạn bắt chước, lặp lại những điều người khác đã làm.

Paul Graham viết, Google của ngày mai sẽ không còn là Google mà bạn đang thấy hôm nay. Điều đó có nghĩa là nếu bạn chỉ bắt chước người khác, doanh nghiệp của bạn sẽ mãi mãi ở phía sau.

5. Không chịu thay đổi
Nếu bạn quá bướng bỉnh, không lắng nghe từ đối tác và khách hàng, bạn đã tự giết chết công ty của mình.

6. Chọn sai nhân viên
Rất khó để chọn được nhân viên thực sự giỏi mà không có bất cứ khuyết điểm nào. Do vậy việc bạn cần làm không phải là tìm cho được người giỏi nhất mà là tìm được người có tính cách, sở thích phù hợp với doanh nghiệp, với đội ngũ nhân viên của công ty.
Sự kết hợp nhịp nhàng, môi trường làm việc tốt sẽ giúp năng suất làm việc cao hơn, mang đến hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

7. Chọn sai lĩnh vực
Bạn đã dồn hết tâm trí vào công ty của bạn do vậy nếu bạn chọn sai lĩnh vực để bắt đầu, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để bắt đầu lại.

8. Chần chừ, trì hoãn ra mắt công ty
Bạn sẽ không thể có kinh nghiệm, thành công nếu không bắt tay vào thành lập. Càng chần chừ, bạn càng trì hoãn cơ hội thành công của mình.

9. Ra mắt quá sớm
Không chần chừ, không có nghĩa là bạn gấp rút ra mắt công ty khi mọi thứ chưa sẵn sàng. Khi mọi người đã biết đến công ty của bạn nhưng nó vẫn hoạt động không hiệu quả, điều đó sẽ tạo nên hình ảnh không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của bạn.

10. Không xác định được khách hàng tiềm năng
Nhiều nhà khởi nghiệp đầu tư rất nhiều tiền cho việc xây dựng, quảng bá thương hiệu… nhưng lại không đầu tư vào nghiên cứu, tìm ra khách hàng tiềm năng của mình.

Đó là một sai lầm nghiêm trọng khiến bạn không thể bán được các sản phẩm, dịch vụ của mình.

11. Đầu tư quá ít tiền
Chuẩn bị một khoản tài chính quá ít, bạn không đủ sức để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, hoặc không đủ tài chính để quảng bá thương hiệu, dẫn đến việc khách hàng không biết đến công ty của bạn, dẫn đến vệc kinh doanh không hiệu quả.

12. Tiêu quá nhiều tiền
Ngược lại, việc tiêu quá nhiều tiền, không có kế hoạch tiết kiệm sẽ khiến công ty của bạn thâm hụt ngân sách.

13. Đầu tư quá nhiều tiền
Dồn tất cả tiền bạc vào công ty khởi nghiệp không phải là lựa chọn thông minh. Khi có một số vốn lớn, rất có thể bạn và các nhà đồng sáng lập sẽ cảm thấy mình quá dư dả, không tiết kiệm và đầu tư tiền không hiệu quả.

14. Thiếu nhà đầu tư
Bất cứ một công ty khởi nghiệp nào cũng nên có sự hỗ trợ từ nhà đầu tư. Không chỉ đầu tư vốn, những nhà đầu tư có thể cung cấp thêm cho bạn những kinh nghiệm quý giá mà họ đã phải đánh đổi bằng rất nhiều tiền và thời gian.

15. Tập trung quá nhiều vào lợi nhuận
Nhiều nhà khởi nghiệp đã mắc sai lầm khi sa đà vào việc tìm kiếm lợi nhuận. Bạn nên nhớ, bạn có rất nhiều thời gian để kiếm tiền sau này. Đây là thời điểm bạn cần làm khách hàng biết đến công ty, yêu thích sản phẩm của bạn hơn là muốn họ trả thật nhiều tiền cho bạn.

16. Không sẵn sàng để luôn luôn bận rộn
Khi khởi nghiệp, bạn phải chuẩn bị tinh thần rằng bạn sẽ luôn luôn bận rộn và vất vả. Nếu bạn nghĩ, việc làm chủ một doanh nghiệp sẽ khiến bạn trở nên giàu có, nhàn nhã ngay lập tức thì đó thực sự là một sai lầm.

17. Tranh chấp giữa các sáng lập viên
Vào thời điểm “vạn sự khởi đầu nan”, các sáng lập viên hay nói cách khác là nội bộ công ty cần đoàn kết, chia sẻ với nhau. Nếu để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ, công ty của bạn đã tự thua trước khi thực sự đặt chân vào thương trường.

18. Thiếu kiên nhẫn
Có rất nhiều người khởi nghiệp và cũng đã có rất nhiều người bỏ cuộc. Thực tế là không có nhiều nhà khởi nghiệp thành công và nguyên nhân đầu tiên là do họ thiếu kiên nhẫn, không đủ dũng cảm để theo đuổi đến cùng những dự án của mình.

Founders and Funders

Cuộc khủng hoảng chuỗi cà phê sẽ còn lan rộng. Dự báo này xuất phát không chỉ từ các thông tin trên báo chí về hoạt động của một số chuỗi cà phê, mà còn từ cách làm của nhiều chủ doanh nghiệp. Cho dù rất thông cảm và chia sẻ với những người khởi nghiệp này, song cũng đã đến lúc phải có những cảnh báo nhất định.

Vội vàng nhân rộng

Việc đầu tiên có thể thấy là nếu mô hình gốc, nơi được dùng để làm mẫu nhân lên mà chưa thực sự tốt, thì không nên vội vàng vẽ ra và nhân lên. Có những nhà hàng khi mới xuất hiện thấy khá ổn, song mọi việc phát sinh khi mô hình được nhân lên. Mặt bằng đa dạng, địa điểm và quy mô khác nhau, nhưng cách xử lý vẫn như với cửa hàng đầu tiên khiến mọi việc trở nên bất ổn và khó kiểm soát.

Đó là chưa kể tới vô số lỗi do thiết kế, thi công, đồ nội thất... mà vì tốc độ tăng trưởng nhanh nên người chủ doanh nghiệp không kịp kiểm soát. Bạn sẽ chẳng bao giờ thấy thoải mái nếu uống cafe mà ngồi trên một cái ghế quá thấp và một cái bàn quá cao chẳng hạn...


Tiếp theo là chất lượng của đồ uống, đồ ăn, phục vụ... đều có thể không có vấn đề khi chỉ có một quán, song lại lập tức có vấn đề khi nhân lên quá nhiều quán và không kiểm soát được như ban đầu nữa.

Không cân bằng nợ
Về mặt kỹ thuật đơn thuần, không có công ty nào trên thương trường dám nói là tôi không nợ ai. Hoặc là công ty đó xạo, hoặc lãnh đạo công ty đó đang thừa tiền, đang sử dụng tiền không tối ưu.

Anh nợ người ta, đồng thời anh phải cho người khác nợ, thì mới có đối tác, có làm ăn. Nếu ai đó muốn “trong veo”, không dính dáng gì đến mấy chuyện nợ vay thì tốt nhất không nên dính đến kinh doanh.

Vấn đề chỉ ở chỗ đó, anh cho người khác nợ thì người ta mới mua hàng hoá, dịch vụ của anh. Rồi anh cũng có thể nợ các nhà cung cấp, đối tác trong một hạn định nào đó như đã thoả thuận.

Nếu cân bằng được hai phần này, công ty sẽ đứng vững. Nếu chủ công ty cho nợ nhiều mà không nợ được - nhiều khi vậy - thì họ sẽ phải chịu đựng áp lực có thể sẽ rất căng và sẽ lỗ, dù tính toán ban đầu là lãi.

Còn nếu anh chỉ nợ người khác mà không cho ai nợ thì cũng hiếm, cũng khó kinh doanh trong môi trường chung hiện tại.

Có nhà đầu tư chưa hẳn hay
Giờ đây, nhiều người cũng nhìn việc có nhà đầu tư như một may mắn và mục tiêu cần phải đạt được. Và nhiều người cũng có cảm giác lấy và tiêu tiền của nhà đầu tư rất dễ.

Thực tế không phải vậy.

Thời kỳ trăng mật của việc nhà đầu tư dễ dàng tiêu tiền trên đất Việt Nam đã qua rồi. Giờ đây nếu bạn muốn có tiền của họ, cần có một kế hoạch kinh doanh “khủng” với các con số thật ấn tượng, cần có tốc độ tăng trưởng thần kỳ và cam kết lợi nhuận cao hơn cùng ngành nữa... Nhìn chung, sẽ có rất nhiều chông gai.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ham tiền của nhà đầu tư, nhiều start-up chấp nhận bước vào một cuộc đua không kém gì đua xe công thức 1, bất kể năng lực của mình đến đây.

Vì nếu không đạt được các chỉ số cam kết thì sẽ không được giải ngân tiếp và có nguy cơ mất công ty như chơi.

Đầu tư, tốt thôi, song không dễ ăn như người ta đồn thổi và cái gì cũng có giá của nó. Tốt hơn cả có lẽ đừng cố làm “người thần”, hãy làm người thường, lớn lên một cách hữu cơ sẽ tốt hơn.
Nguyễn Bá Ngọc ( Chủ tịch HĐQT Công ty NBN Media)

Nhóm các kỹ sư Nguyễn Quốc Cường, thạc sỹ Đoàn Nhân Ái và Đặng Văn Cung ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực nghiệm thành công mô hình cải tạo càphê catimor (một loại càphê chè) ở huyện A Lưới bằng phương pháp cưa đốn cây, phục hồi, nâng cao năng suất cây trồng.



Phương pháp mà nhóm kỹ sư đưa ra là cưa đốn cành, làm "trẻ hóa" diện tích cây càphê sau một thời gian khai thác.

Mô hình được thực hiện tại xã Nhâm, huyện miền núi A Lưới, trên diện tích 3,5ha, mật độ 5.000 cây/ha. Kỹ thuật cưa đốn được thực hiện ở vườn càphê già cỗi, năng suất thấp, tiến hành cưa thân cách mặt đất từ 25-30 cm, theo mặt phẳng nghiêng, mặt cắt nhẵn, không bị giập nát.

Sau khi cưa cây càphê, các kỹ sư tỉa thưa cây che bóng mát để ánh sáng chiếu vào vườn cây. Khoảng 20 ngày sau khi cưa đốn, chồi càphê nảy mầm được giữ lại phải để phân bố đều trên một gốc; đồng thời áp dụng các phương pháp chăm sóc như đối với vườn càphê trồng lần đầu (làm cỏ, bón phân, áp dụng các biện pháp bảo vệ thực vật...)

Theo kỹ sư Nguyễn Quốc Cường, Trưởng nhóm thực hiện dự án, ở A Lưới, nếu cây càphê được cưa đốn vào tháng Ba hàng năm sẽ rất thuận lợi cho việc phòng bệnh trên vết cưa và thời gian cây bật chồi vào tháng Tư. Vào thời gian này, buổi chiều thường có mưa dông mang theo nhiều lượng natri, thuận lợi cho sự phát triển của chồi, cành mới.

Sau khi cưa đốn khoảng 18 tháng, cây càphê cho thu hoạch. Lứa càphê sau cải tạo đầu tiên ở xã Nhâm, huyện A Lưới đã cho năng suất thực thu là 4,9 tấn càphê tươi/ha; năng suất này có thể còn cao hơn ở những vụ sau nếu được chăm sóc tốt.

Mô hình cải tạo vườn càphê chè catimor bằng phương pháp cưa đốn phục hồi phù hợp với điều kiện địa phương, dễ thực hiện và ít tốn kém.

A Lưới hiện có khoảng gần 1.000ha trồng càphê chè catimor; bao gồm càphê nông trường sản xuất tập trung và rải rác ở các hộ trên địa bàn; trong đó có 300ha đã qua chu kỳ khai thác và xuống cấp, năng suất đạt thấp, chỉ khoảng dưới 1 tấn càphê tươi/ha.

Nhiều hộ nông dân muốn phá bỏ diện tích càphê để trồng cây khác. Vì vậy, việc phục hồi, nâng cao năng suất càphê có ý nghĩa trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Mô hình này cần được nhân rộng ở huyện miền núi A Lưới trong thời gian tới./.

Cà phê là món đồ uống yêu thích của nhiều người. Nó giúp mang lại trái tim khỏe mạnh, kích thích ham muốn cho giới nữ. Nhưng uống nhiều quá cũng không có lợi cho sức khỏe.


1. Có thể giết chết bạn
Nhưng bạn cần phải uống liên tục 80 đến 100 cốc cà phê. Tất nhiên các chuyên gia không khuyên bạn điều đó.

2. Tốt cho tim

Một nghiên cứu tìm thấy người Mỹ lấy hầu hết các chất chống oxy hóa từ những cốc cà phê hằng ngày. 1-2 cốc mỗi ngày sẽ có lợi cho bạn. Nếu không thích đồ uống này, bạn có thể uống trà đen.

3. Thúc đẩy ham muốn tình dục cho phái nữ

Nghiên cứu trên chuột đã chứng tỏ điều đó. Nhưng ở con người, các chuyên gia cho biết cà phê chỉ có tác dụng tình dục đối với những người không uống thường xuyên.

4. Giúp giảm đau

Một lượng cà phê vừa phải – tương đương 2 cốc – sẽ giảm những cơn đau cơ sau khi tập thể dục. Nhưng nó cũng chỉ có tác dụng trên những người không uống đều đặn.

5. Khiến bạn thức đêm

Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng bạn không nên uống trong vòng 6 tiếng trước khi đi ngủ.

6. Cà phê lọc caffein vẫn có caffein

Nếu bạn uống tới 5-10 cốc cà phê đã lọc caffein, thì bạn vẫn thu được lượng chất này như uống 2 cốc bình thường.

7. Việc lọc caffein phải sử dụng hóa chất

Hạt cà phê được hấp lên để chất caffeine phân hủy nổi lên bề mặt. Tại đó nó sẽ được loại bỏ bằng một chất hòa tan gọi là methylene chloride.

8. Caffein không phải thủ phạm gây đắng

Caffein không phải là chất gây đắng chủ yếu trong cà phê, thủ phạm chính là những chất chống oxy hóa.

9. Cà phê ngon phụ thuộc vào việc rang, sấy

Để có hương vị thơm ngon, tất cả phụ thuộc vào khâu rang và sấy. Trong khi rang, dầu có trong các hạt cà phê bắt đầu nổi lên ở nhiệt độ 200 độ C. Càng nhiều dầu, hương vị càng rõ nét. Cà phê thông thường sẽ đậm đặc hơn espresso hay cappuccino.

10. Do loài dê phát hiện ra

Một nghìn năm trước trên một ngọn núi ở châu Phú, một đàn dê đã khiến người chủ của chúng thức suốt đêm sau khi ăn những quả cà phê màu đỏ. Người chăn dê đã mang thứ quả đó tới một số nhà sư. Từ đó, các nhà sư đã biến thứ quả này thành món đồ uống giúp họ có thể tỉnh táo trong những buổi cầu nguyện lâu dài.

Theo Livescience

Một nghiên cứu mới cho thấy nguy cơ mắc bệnh ung thư tử cung có thể giảm bằng cách uống cà phê.

Theo báo cáo của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, cà phê có chứa nhiều chất chống ô xy hóa có thể tăng cường sức khỏe, BBC đưa tin.
Tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày cũng giúp giảm nguy cơ ung thư tử cung.


Các nhà khoa học tại Trường Cao đẳng Hoàng gia London (Anh) cũng cho biết thêm, phụ nữ có thể giảm nguy cơ mắc ung thư tử cung bằng cách bỏ ra ít nhất 38 phút mỗi ngày để tập thể dục và duy trì một trọng lượng khỏe mạnh.

Thế hệ người Việt đầu tiên biết đến cà phê được xem như xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, điều này đã được nhiều công trình nghiên cứu thống nhất.


Nhưng đổi thay của gu cà phê

Trên thế giới có bốn kiểu pha cà phê. Mỹ, Đức, Thuỵ Sĩ pha cà phê bằng cách cho nước sôi chảy qua túi lọc. Ý thì cho nước sôi ép dưới áp suất cao rồi cho chảy qua bột cà phê còn gọi là cà phê espresso. Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkan thì cho cà phê cùng nước và đường vào bình hình chóp rồi đun lên. Còn người Pháp chế ra kiểu bình gọi là French press có từ năm 1822. Càphê được cho vào bình rồi dùng miếng lọc bằng kim loại ép bên trên sau đó chế nước sôi vào. Nước chảy qua miếng lọc chậm nên cà phê sẽ đậm đặc. Người Việt đã bắt chước kiểu bình này nhưng đơn giản hoá để có cái phin như ngày hôm nay.

Cà phê Hà Nội có sau Sài Gòn nhưng cách pha cà phê bằng phin gần giống như cà phê Pháp. Còn Sài Gòn thì chia cà phê thành hai loại. Cà phê cao cấp thì có cách pha giống như Pháp, còn cà phê bình dân thì được pha bằng vợt dân gian hay gọi là CÀ PHÊ VỢT.

Từ đầu thế kỷ 20 trở đi cà phê được người Sài Gòn tiếp nhận khá nồng nhiệt. Những năm 1930 trở đi khắp Sài Gòn – Chợ Lớn hầu như sáng nào các quán cà phê mở cửa là có đông khách. Theo thời gian, người Sài Gòn bắt đầu nhớ hương thèm vị cà phê.

Đến thập niên 1960 cùng với thay đổi về chính trị, xã hội về nhiều mặt nhất là tại Sài Gòn và cà phê Sài Gòn đã có một bước chuyển mình quan trọng. Sau cà phê cao cấp kiểu Pháp và cà phê bình dân thì cà phê dành cho thứ dân thành thị ra đời. Cà phê pha phin là cách uống chính trong giai đoạn này. Cà phê phin cho người uống cái cảm giác háo hức được tham gia và sống cùng dòng đời của ly cà phê cũng như cái thú của sự đợi chờ. Bất chợt trong khoảng khắc giọt đắng đầu tiên xuất hiện để rồi buông rơi cái chất sóng sánh nâu đen xuống ly trao tặng cho người một thứ cà phê thuần Việt không giống bất cứ loại cà phê nào trên thế giới. Cho dù đó là cà phê espresso thơm lừng, cà phê latté mượt mà… ngon lạ… nhưng hình như nó thiếu cái hồn của cà phê phin Việt. Cho dù đi đến chân trời góc bể nào, bất chợt bạn thấy cái phin sáng tựa vai trên thành ly đang đếm những giọt buồn buông rơi, chắc chắn tiếng vọng cà phê Sài Gòn sẽ vang lên…

Khó khăn tạo gu riêng

Sau năm 1975, đất nước đầy khó khăn, cà phê cũng bị ngăn sông cấm chợ không kém các thứ khác. Vậy mà cà phê Sài Gòn lại chộn rộn hơn, quán xá mọc nhiều hơn; đi đâu bên đường, trong xóm cũng thấy người ngồi uống cà phê. Lúc này cà phê pha vợt và cà phê phin đã cùng nhau bước chân xuống hè phố.

Cà phê trở thành hàng hiếm bảng A, vậy cà phê đâu mà dân Sài Gòn ngồi uống lê la khắp nẻo. Cà phê thì ít nên cau khô, bắp rang, đậu nành rang có cơ hội ngang vai bằng vế cùng hạt vua. Cái khó ló cái khôn như từ ngữ hay sử dụng thời đó đã được dân buôn rang xay cà phê áp dụng triệt để. Muốn cà phê đen và thơm hơn thì có đậu nành, sánh đặc cho bắt mắt thì có bắp rang, nhấn nhá thêm chút vị chát thì đã có cau khô. Để giữ vị đậm đà cho cà phê phải dằn chút nước mắm ngon khi rang, giống như dân Nam bộ nấu chè muốn đậm đà phải dằn chút muối cho trọn âm dương.


Cho đến giờ gu uống cà phê có độ sánh của bắp đã giữ hồn vía một số người lớn lên trong thời kỳ sau 1975. Ông Trần năm nay bước vào tuổi 50 vẫn mê cái ly cà phê đá đánh ngầu bọt nhờ có chút bắp rang. Bà Hoa bán cà phê rang nguyên hạt ở quận 10 cho biết, nhiều khách gia đình đến mua cà phê rang xay tại chỗ về nhà pha vẫn thêm 10 – 20% bắp vì đã lỡ ghiền cái gu cà phê này rồi. Giá cà phê Arabica khoảng 30.000 đồng/100g, Robusta khoảng 15.000 đồng/100g thì bắp rang chỉ có giá 3.000 đồng/100g. Một mẻ cà phê bình dân thời đó có được 40% cà phê là phước lắm rồi. Nhưng dân Sài Gòn cũng đành bấm bụng bỏ qua vì chẳng còn lựa chọn nào khác, “có còn hơn không”.

Tuy có trộn bắp vào cà phê nhưng người bán cà phê ở Sài Gòn thời đó chưa bán linh hồn cho quỷ dữ như bây giờ. Bao nhiêu phóng sự đã báo động từ cà phê cóc cho đến một số quán cà phê có thương hiệu đều dùng hương liệu là chủ yếu.
Du nhập cái mới

Đến giữa năm 1996, cà phê Trung Nguyên bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng mở chuỗi quán. Sau nhiều năm “bị” uống cà phê “chỉ định”, lúc này dân Sài Gòn tha hồ được lựa chọn hàng chục loại cà phê khác nhau được bày trong các ngăn trong suốt của các quán… Và cà phê Sài Gòn bắt đầu hình thành một thị trường hấp dẫn, quán sau mở ra luôn bề thế, bài bản hơn quán trước. Cuộc đua của những quán, nhà hàng cà phê ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên trong giai đoạn này cách rang xay pha chế cà phê Sài Gòn vẫn chưa có gì mới lạ.


Từ năm 2000 đến nay, kinh tế thành phố phát triển nhanh. Doanh nhân, chuyên viên, du khách, người nước ngoài, Việt kiều đến làm việc và định cư ở thành phố ngày càng nhiều. Nhu cầu thưởng thức cà phê của họ cũng bắt đầu được chú ý. Các khách sạn trong ngành du lịch bắt đầu nhen nhóm những gu cà phê mới. Nhưng cho đến năm 2007 cho đến hiện nay thì những thương hiệu cà phê quốc tế mới thật sự bước chân vào Sài Gòn như hệ thống Gloria Jeans Coffees, Coffee Bean, Angel In Us Coffee, Starbucks…

Do ảnh hưởng bởi văn hóa vùng miền, đặc tính khí hậu, xã hội và con người. Người Sài Gòn & Hà Nội thưởng thức cà phê cũng rất khác biệt. Hiểu rõ văn hóa thưởng thức cà phê của từng vùng miền, bạn cũng sẽ biết cách điều chỉnh cách thưởng thức, cách phục vụ cho phù hợp nhất là với những người làm kinh doanh cà phê vậy.

Cùng là cà phê vỉa hè, nhưng cà phê Hà Nội và Sài Gòn dường như hết sức khác nhau. Ở một nơi nhiều mưa dầm và nhiều cung đường xe cộ loang loáng, người Sài Gòn uống từng giọt cà phê loãng và nhiều đá, lắng nghe những câu chuyện thời sự và trò chuyện rôm rả với nhau. Ở một nơi khác, những ly cà phê đậm và ít đá, thậm chí dù thời tiết nóng, ly cà phê có thể vẫn nghi ngút khói, người Hà Nội ngồi gật gù lắng nghe nhau, chia sẻ những không gian nhỏ và san sát của 36 phố phường, trầm ngâm.

Người Sài Gòn, hay của rất nhiều thành phố của miền Nam thường cà phê không nguyên cớ. Sau một đêm, người ta tìm đến nhau, làm đậm đặc lại đời sống, cố sôi động trở lại bầu không khí của từng ngày làm người, dù không có biến cố gì mới. Có lẽ vì vậy ở Sài Gòn người ta hay mua báo. Thời sự và những gì chuyển động quanh cuộc đời mình là điều được xem, đặt ra, mổ xẻ, tranh cãi, cười… thậm chí cãi đến giận nhau rồi dăm ba bữa trở lại vòng quay thường nhật đó. Người Sài Gòn gọi nhau “càphê nghe mày”, đôi khi chỉ là cái cách để ngồi gần nhau, nhìn nhau, thậm chí ngồi kế nhau và… làm thinh.

Cà phê vỉa hè Sài Gòn ồn ào và râm ran hơn ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hảo

Người Hà Nội ngày nay thì dường như không có thói quen cà kê ở quán cóc vỉa hè như một thói quen nhìn phố. Khi gọi nhau cà phê, thì thường cần gặp nhau để nói chuyện gì đó, thăm hỏi, bàn việc làm ăn lớn nhỏ… Những câu chuyện được nghe từ quán cà phê vỉa hè Hà Nội cũng không ồn ào râm ran như Sài Gòn. Báo thường ít bán được ở Hà Nội trong các tiệm cà phê, vì hầu như ai nấy cũng đã có chuyện để nói, để bàn. Thời sự thì đã nằm lòng từ đêm qua từ đài truyền hình hay phát thanh. Ly cà phê vỉa hè ở Hà Nội đậm hơn ở Sài Gòn và đến giọt cuối vẫn còn vị nguyên, khi người ta chia tay nhau ra về, mỗi người thường mang theo một câu chuyện của nhau để làm quà trong suy nghĩ. Người Hà Nội ít khi ngồi cà phê với nhau để lặng im nhìn đời sống.

Cô bạn Hà Nội ở một quán nhỏ thơ mộng kiểu Pháp trên đường Khúc Hạo mời tôi ly cà phê rất đậm và ít đường. Khi hỏi xin thêm đường, lại thoáng thấy người phục vụ mỉm cười. Nụ cười như thể nói là “người Sài Gòn vẫn hay thích ngọt nhỉ”.

Quán rất đẹp như vắng khách sáng. “Hà Nội ít người đi cà phê sáng như ở Sài Gòn”, cô bạn nói. Làm một người Sài Gòn ngồi cà phê ở Hà Nội, có thể bạn sẽ thấy mình ngơ ngác vì thói quen cà phê vô nguyên cớ của mình. Thậm chí cách mình ngồi cà phê và không biết nói gì với những người bạn Hà Nội cũng sẽ khiến mình chợt cảm thấy vô duyên lạ. Lúc đó, ly cà phê đậm bé tí cũng trở nên nhiều đến mức không thể nào uống cạn.

Lại chợt nhớ đến những buổi sáng cà phê của nhà thơ Du Tử Lê ở tận trời xa. Ông chia ngày chẵn ngồi ở một quán của các bạn văn nghệ, và ngày lẻ thì ngồi ở một quán nhiều các bạn đời hơn. Ly cà phê của ông thường rất đậm, nhưng vẫn là một loại cà phê nhạt của người Việt, lại cũng ít khi nào uống hết. Mang theo mình một cảm giác ngồi vỉa hè ở quê nhà, nhà thơ cũng mượn cà phê như một loại bán dẫn để nối kết sự sống quanh mình như thói quen đã mang theo bao năm tháng. Và đôi khi ly cà phê nhạt đó vẫn có thể làm đậm chút nào đó những giây phút đời mình trong những tháng ngày nhạt nhoà nối tiếp.

Ừ nhỉ, đôi khi nhấp một ly cà phê rất nhạt theo kiểu Sài Gòn, vẫn có cái gì đó đậm đà trong đời sống. Lạ thật.

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh cafe của Peter Baskerville

Nhân dịp Starburcks mới xâm nhập vào thị trường Việt Nam, cũng như trả lời cho những bạn trẻ có niềm đam mê sở hữu một quán cafe cho riêng mình, CARIBOO CAFÉ xin trích dẫn những ý kiến của Peter Baskerville – một chuyên gia có kinh nghiệm trên thế giới khi khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cafe và giải thích lý do tại sao hầu hết các startup về cafe đều mắc phải một số những sai lầm nhất định dẫn đến thất bại chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động.

  • Đâu là những cạm bẫy mà hầu hết các startup phải đối mặt trong lĩnh vực kinh doanh có vẻ hấp dẫn này?

    • Tại sao họ đã phải cố gắng làm việc hàng giờ nhưng vẫn không tìm ra được cách để vươn lên dẫn đầu thị trường?

      • Kinh doanh cafe mang tính cạnh tranh cao và dường như rất khó để thành công?

        • Đâu là điều cần tránh và cách để giải quyết chúng khi tham gia vào loại hình kinh doanh này?



        Peter Baskerville, hiện đang sở hữu 20 quán cafe chia sẻ:

        Chỉ đến khi mọi người hiểu rõ sự thất bại của các startup về cafe thì mới thôi mơ mộng đến việc sở hữu một cái tương tự cho riêng mình. Sự thất bại, không chỉ đơn giản là việc “đóng cửa” mà định nghĩa về thất bại trong kinh doanh là cái giá mà mỗi ông chủ hay nhà quản lý phải chịu cho sự mất mát về nguồn vốn và thời gian so với lãi suất ngân hàng và công sức làm việc của nhân công hay nói đúng ra là chi phí cơ hội đã mất trong thời gian kinh doanh.

        Đối với tôi, lý do đầu tiên khiến hầu hết các startup trong kinh doanh cafe đều thất bại trong việc đạt được tính bền vững lâu dài, đó là việc chạy theo những cám dỗ nhất thời, niềm khao khát sở hữu một quán cafe, một nhà hàng hào nhoáng của riêng mình. Những người này không hề có bất kỳ ý tưởng làm thế nào để việc kinh doanh của mình phát triển và duy trì nguồn vốn sau một thời gian dài đầu tư. Họ vẫn để cho sự thiếu bền vững trong kinh doanh giữ chân dù cho hệ thống hoạt động chung có tốt từ nguồn lợi thu được trong toàn ngành. Vì vậy, khi có những người mới xâm nhập thị trường thay thế những kẻ thất bại thì việc trang bị những kiến thức cần thiết cho việc kinh doanh hấp dẫn này là một việc nên làm để duy trì tính bền vững về sau. Chắc chắn rằng, bạn có thể trích một khoản trong phần lương chính của mình để đầu tư kinh doanh cafe nhưng việc bỏ đồng tiền của mình ra chỉ để sở hữu một cửa hàng thường không phải là một mô hình kinh doanh bền vững.

        Chính vì thế, ngoài vấn đề chung của toàn ngành kinh doanh với mức bình ổn giá thì dưới đây là những cạm bẫy khác mà bạn có thể vướng phải trên con đường kinh doanh cafe của mình. Thành lập và điều hành hơn 20 quán cafe/nhà hàng lớn nhỏ, tôi biết rất rõ những khó khăn trên suốt chặng đường mà bạn phải đi vì tôi cũng đã từng rơi vào những hoàn cảnh như vậy.

        • Tuân thủ một cách sợ hãi các luật lệ - Bạn tỏ ra khúm múm trước vô số luật lệ về kinh doanh dịch vụ thực phẩm để rồi luồn cúi chính quyền và sợ rằng họ có thể sờ gáy bạn bất cứ lúc nào. Chính điều này có thể ngốn của bạn hàng đống chi phí không cần thiết ban đầu hơn là dành tiền cho các hoạt động khác quan trọng khác (như là trải nghiệm khách hàng hoặc marketing). Chi phí thủ tục hành chính có thể sẽ làm tê liệt hoạt động kinh doanh của một quán cafe như vậy và rất khó để phục hồi về sau.

          • Quá nhiều các quy tắc trong pha chế – Những điều như vậy chỉ phù hợp trong một nhà hàng chất lượng cao của nhà nước hơn là trải nghiệm của khách hàng trước quán cafe của bạn. Hãy đừng để cho người pha chế của bạn nghĩ rằng đây là một triển lãm ẩm thực nghệ thuật hơn là việc chú trọng quan tâm đến chất lượng dịch vụ: đảm bảo tính tin cậy, nhanh chóng và thân thiện.

            • Thiếu tính đầu tư trong thiết kế - Một quán cafe tầm trung cũng cần hàng nghìn các giao dịch mỗi ngày để duy trì hoạt động kinh doanh. Do vậy, nếu không được thiết kế một cách hợp lý giữa các hoạt động phục vụ, thanh toán, di chuyển thì sẽ ảnh hưởng và giới hạn không nhỏ đến mức độ hiệu quả của bạn trong lĩnh vực kinh doanh này, đó là chưa kể đến một khoản chi phí khổng lồ khác mà bạn phải chi khi cơ cấu hoạt động thiếu hợp lý.




            • Chỉ phục vụ cafe – Kinh doanh cafe có tỉ suất lợi nhuận rất lớn nhưng nên nhớ là bạn phải trả các chi phí khác bằng tiền mặt chứ không phải là tỉ lệ phần trăm. Những quán cafe nếu chỉ kinh doanh cafe đơn thuần thì sẽ bận rộn cả ngày để phục vụ nhưng có thể vẫn sẽ chưa tạo ra dola lợi nhuận nào bù đắp các chi phí đã bỏ ra. Do vậy, ngay từ đầu mỗi quán cafe cần phải thấy rõ chiến lược “cafe +” (cafe không phải chỉ có cafe) để đảm bảo được doanh thu bền vững sau này; ví dụ như có thể bổ sung thêm bánh ngọt hoặc thức ăn vặt thuận tiện nào đó.



            • Quá để ý vào sự lãng phí - Rất nhiều các ông chủ mới kinh doanh cảm thấy hoang mang trước sự lãng phí ở mức khổng lồ trong việc cho ra đời một dự án cafe. Vì vậy họ bắt đầu giảm đi số lượng sản phẩm phục vụ hoặc lưu trữ quá thời hạn cho phép của sản phẩm. Vấn đề ở đây là, bạn sẽ không bao giờ xây dựng được một tổ chức bền vững nếu như không đủ sản phẩm trên các kệ và trải nghiệm khách hàng không tốt khi sử dụng các sản phẩm để lâu. Hiển nhiên, điều này sẽ làm bạn bắt đầu trượt dốc gần hơn tới thất bại chỉ trong một thời gian ngắn.

              • Quá tập trung vào lợi nhuận - Tương tự như sự lãng phí, quá tập trung vào lợi nhuận từ sớm sẽ khiến các nhà cung cấp để ý đến giá cả hơn là việc tập trung vào xây dựng các mối quan hệ với khách hàng và đối tác thân thiết. Làm cho khách hàng cảm thấy thoải mái, không giống như trong một cuộc giao dịch mua bán là điều mà mỗi dân startup phải hiểu bởi lẽ “việc kinh doanh có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào nếu như quá bị ám ảnh bởi lợi nhuận”

                • Đội ngũ phục vụ thiếu chuyên nghiệp – Quán cafe sẽ không chỉ đơn giản với đồ ăn/thức uống mà ở đây họ còn bán niềm tin để làm giảm căng thẳng, mang lại cảm giác thoải mái, sự kết nối và rất nhiều các giá trị vô hình khác nữa… và điều này chỉ có thể đến bằng sự thể hiện của nhân viên phục vụ với khách hàng. Quán cafe với một đội ngũ phục vụ có khả năng ghi nhớ tên khách hàng, đồ uống yêu thích có tỉ lệ thành công cao hơn so với những quán khác.Khách hàng họ có thể sẽ sớm quên đi những gì bạn bán cho họ nhưng sẽ không bao giờ quên cái cảm giác mà bạn mang lại cho họ.



                • Mở rộng quá nhiều – Nhiều ông chủ đã đưa ra quá nhiều sự lựa chọn cho khách hàng trong khi nhu cầu cơ bản của họ chỉ đơn giản là đói và khát. Đa dạng hóa các loại nhu cầu là tốt nhưng điều này vô hình chung dẫn đến sự thiếu quản lý và có thể làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng và thậm chí dẫn đến mất khách hàng thân thiết. Hãy cân nhắc kỹ khi định mở rộng hoạt động kinh doanh, tốt hơn hết là chú trọng về chiều sâu và mang đến một trải nghiệm khách hàng tốt nhất trước khi định làm thêm một cái gì đó.

                  • Địa điểm không phù hợp – Một vị trí không đắc địa có thể là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự thất bại của bạn trong lĩnh vực kinh doanh này. Tôi đã từng có một sai lầm khi lựa chọn một nơi có lượng người qua lại đông nhưng lại thiếu đi sự tập trung (ga tàu điện) hay ở những nơi ít được chú ý (đường 1 làn). Tốt nhất bạn nên lựa chọn một địa điểm có mật độ người qua lại và mức độ tập trung cao kể cả ngày thường lẫn cuối tuần.

                    • Chiến lược giá nghèo nàn – Kinh doanh cafe đang phải cạnh tranh với chiến lược giá của cả một ngành công nghiệp do vậy việc thiết lập để bình ổn giá gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, thiếu linh hoạt trong việc áp dụng các chiến lược giá khiến cho việc kinh doanh của bạn không mấy khởi sắc. Ví dụ, chiết khấu giá cafe espresso có được chút lợi thế khi nó là một trong những sản phẩm nhạy cảm về giá nếu chất lượng sản phẩm cao. Ngoài ra, việc tính phí lại dựa trên giá trung bình cho các sản phẩm hoặc giá bán dựa trên chi phí chứ không phải là kỳ vọng của thị trường. Do vậy việc định giá cần phải có một chiến lược thông minh chứ không chỉ dựa trên cái lợi trước mắt.

                    Đó không phải là tất cả những lý do tại sao hầu hết các startup lại thất bại khi dấn thân vào thị trường kinh doanh cafe hấp dẫn này, mà chỉ là một vài trong hàng ngàn những sai lầm mà mỗi doanh nhân có thể mắc phải. Tôi sẽ tiếp tục bổ sung thêm vào danh sách này những sai lầm trong quá khứ mà tôi đã trải qua cũng như trả lời cho câu hỏi “Bí mật của một chuỗi cửa hàng kinh doanh cafe thành công là gì?” hay những suy nghĩ của tôi có liên quan đến việc sở hữu một quán cafe ở những phần tiếp theo.

                    Phương Linh

                    Ở Việt Nam, khá nhiều nơi có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp với việc trồng cây cà phê. Nhưng đâu là vùng trồng trọt cho ra những trái cà phê Arabica ngon nhất trên thế giới, hẳn không nhiều người biết.

                    Theo chân các giáo sĩ người Pháp, cây cà phê đã có mặt ở nước ta từ thế kỷ 19 và phát triển mạnh mẽ cho tới ngày hôm nay. Hiện Việt Nam là nước có sản lượng cà phê xuất khẩu lớn nhất thế giới, với khoảng 900.000 –1.200.000 tấn/năm.

                    Nhưng trong 500.000 ha trồng cà phê của cả nước, chỉ có khoảng 35.000 ha cà phê Arabica, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên... Cà phê Arabica vốn là loại có giá trị kinh tế nhất trong các loài cà phê. 

                    Trên thị trường cà phê Arabica luôn được đánh giá cao nhờ có hương vị thơm ngon. Giá cà phê Arabica cũng thường cao gấp đôi so với giá cà phê Robusta. Cà phê Arabica có nguồn gốc từ vùng cao nguyên nhiệt đới Ethiopia (Đông Phi). Brasil và Colombia là hai nước xuất khẩu chính loại cà phê này, với chất lượng được đánh giá cao nhất.

                    Cà phê Arabica được đánh giá là ngon và thường có giá cao gấp đôi cà phê Robusta và được trồng ở vùng đất cao từ 1000-1600m.

                    Cây cà phê Arabica thường được trồng ở độ cao từ 1.000 - 1.600 m. Cây có tán lớn, màu xanh đậm, lá hình oval. Hạt Arabica hơi dài, to hơn hạt Robusta. Dù có lượng cafeine chỉ bằng 1 nửa Robusta, nhưng cà phê Arabica có hương thơm nhẹ nhàng, vị chua thanh nên rất được ưa chuộng.

                    Đà Lạt “thiên đường” của cà phê Arabica

                    Khi nhắc đến những vùng đất trồng cà phê ở nước ta, người ta thường nghĩ ngay đến Tây Nguyên, hay còn gọi là Cao nguyên trung phần, nơi may mắn được tạo hóa ban cho diện tích đất đỏ bazan trù phú.

                    Đà Lạt “thiên đường” của cà phê Arabica

                    Cà phê Arabica được trồng ở các huyện như: Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng và một số vùng ngoại thành của thành phố Đà Lạt được đánh giá là có giá trị cao nhất Việt Nam. Thậm chí, hương vị sánh ngang với cà phê ngon nhất thế giới là Arabica Bourbon (Moka).

                    Vùng đất này được coi là “thiên đường” cà phê Arabica nhờ những “chỉ số vàng” như : độ cao 1.500 m so với mặt nước biển, khí hậu ôn đới mát quanh năm, nhiệt độ cực đại trong năm không vượt quá 33 độ, nhiệt độ cực tiểu 5 độ.

                    Điện Biên, Sơn La có lịch sử trồng cà phê Arabica cả trăm năm

                    Ở phía Bắc, khí hậu lạnh do chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, cùng lượng mưa lớn, mùa khô không rõ rệt, cũng là những lợi thế giúp cho cà phê Arabica sinh trưởng và phát triển. Nơi đây cũng đã hình thành nên những vùng cà phê có hương vị rất tuyệt như ở huyện Yên Bình, thuộc tỉnh Yên Bái.

                    Vùng Tây Bắc, cà phê được trồng ở các tỉnh như Sơn La, Điện Biên cũng được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao nhờ có thổ nhưỡng tương tự như vùng Sao Paulo của Brasil, có khác chăng chỉ là 2 vùng cà phê nằm này ở phía Bắc và phía Nam bán cầu.

                    Ngoài Tây Nguyên, ở Việt Nam còn có vùng cà phê Arabica Tây Bắc đã có lịch sử cả trăm năm.

                    Đặc biệt cà phê Chiềng Ban, Sinh Ban( Sơn La), tuy không được trồng ở vùng đất đỏ bazan và không nằm ở độ cao lý tưởng như các tỉnh Tây Nguyên, song Sơn La có những loại đất trong nhóm đất đỏ vàng thích hợp với cây cà phê như Fk, Fv, Fs… Lại nằm ở vĩ độ khá cao về phía Bắc (20039’ – 22002’ vĩ độ Bắc) nên không phải tưới nước, nhưng cây cà phê Arabica vẫn có sức sống rất mãnh liệt. Nhiều cây vài chục năm tuổi, thân to, tán rộng mà hạt cà phê có hương vị không hề thua kém so với giống cây mà người Pháp đã trồng ở Lâm Đồng từ những năm 30 của thế kỷ trước.

                    Quảng Trị, Nghệ An cà phê Arabica với hương thơm sâu lắng

                    Khu vực Trung bộ nước ta cũng có những vùng đất như: Khe Sanh (Quảng Trị), Phủ Quỳ (Nghệ An) rất thích hợp với loại cà phê Arabica, đặc biệt là giống Catimor (loại được lai giữa chủng Caturra với Hybrid de Timor). Cùng thuộc họ Arabica, tuy không có vị ngọt đậm như Bourbon nhưng Catimor lại có hương thơm sâu lắng và vị chát, mặn.

                    Ngày nay, ngoài những giống Arabica truyền thống, được trồng từ trước, mới đây, Viện Khoa học Kinh tế Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên đã lai tạo ra nhiều giống cà phê Arabica có năng suất và chất lượng cao. 

                    Trong đó, hai giống lai TN1, TN2 có năng suất cao và chất lượng tốt đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép khu vực hoá canh tác. Các giống cà phê Arabica lai mới này có đặc tính cây sinh trưởng khỏe, phân cành nhiều. Năng suất đạt từ 4 - 5 tấn cà phê nhân/ha, kích cỡ hạt lớn, trọng lượng 100 nhân trên 15 - 17gram, kháng cao đối với bệnh gỉ sắt...

                    Cà phê Arabica của Việt Nam rất được các thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất trên thế giới ưa chuộng.

                    Như vậy, cùng là cây cà phê Arabica, nhưng ở mỗi vùng trồng đặc trưng ở nước ta lại tạo ra những hương vị cà phê rất riêng để chinh phục những người sành về ẩm thực nhất trên thế giới. Chính vì lý do này, cà phê Arabica của Việt Nam ngày càng được các thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất trên thế giới lựa chọn.

                    Nguồn: Purio Coffee

                    Người ta nói: Thêm đường hết đắng.
                    Nhưng ngọt ngào đâu có phải Cà Phê?
                    Giọt đắng này, giọt của si mê.
                    Như giọt đời, giọt mưa, giọt nắng…

                    Thật lạ, con người thường đam mê những thứ đắng cay, không mấy ai nghiện ngập ngọt bùi. Có phải cuộc đời nhiều mặn nồng, nhiều thăng trầm cay đắng, cho nên con người tìm đến những thứ đắng cay để dung hòa cảm xúc? Còn hơn thế, Cà Phê có đủ vị đắng để giúp ta suy tưởng, có đủ độ nồng để tạo cảm giác bồng bềnh, có đủ độ chua để nghĩ về thất bại, có đủ độ mặn để nhớ về đất mẹ, và có đủ độ ngọt ngào để ta cảm thấy được yêu thương…


                    Cảm ơn các vị linh mục Tây phương đã đem cây Cà Phê từ cao nguyên Ethiopia xa xôi mãi tận Phi Châu vào đất Việt. Nghe nói ban đầu loại cây quý giá này chỉ được trồng tại vườn của các nhà thờ Phía bắc Việt Nam từ khoảng cuối những năm 1880. Sau này, tức là đến khoảng những năm 1920 cây Cà Phê mới được trồng đại trà ở Đak Lak và Gia Lai - Kon Tum. Giống như tại hàng trăm quốc gia uống Cà Phê trên thế giới, văn hóa Cà Phê đã hình thành ở Việt Nam như một điều tất yếu từ món quà tuyệt vời do tự nhiên ban tặng.

                    Hoàn cảnh sống đã tạo nên văn hóa Cà Phê Việt. “Cà Phê nhanh” dành cho những người bận rộn, được đựng trong các ly cốc sử dụng 1 lần, thường đi kèm với “nhạc đệm” là bánh mỳ Pa-tê, bánh mỳ ốp la, họ uống nó như một loại Food cung cấp dinh dưỡng và khoáng chất cho cơ thể thêm khỏe mạnh và năng động. Loại này thường là Cà Phê đá, hoặc Cà Phê sữa đá.


                    “Cà Phê đường phố”, thường là Cà Phê đen, loại Cà Phê bình dân nhất và cũng có đông “đệ tử” nhất, chỉ đông vào buổi sáng, trước giờ làm. Cà Phê loại này thường được pha phin trong những chiếc ly thủy tinh bình dị, xinh xinh nho nhỏ. Bên cạnh không bao giờ thiếu một ấm trà nóng sẵn sàng…

                    “Cà Phê tự tình” dành cho các đôi nam nữ chuyện trò tâm sự. Ly Cà Phê ấy, nếu là Cà Phê đen thì phải pha vào tách kiểu ưa nhìn một chút. Người pha phải dùng một loại chong chóng quậy mạnh để tạo bọt, trang trí chút kem, hay bọt của Cà Phê Master hình chiếc lá hoặc trái tim. “Cà Phê tự tình” thường bắt đầu từ khoảng 8 giờ tối đến tận đêm khuya.

                    “Cà Phê tự sự” là uống một mình, suy tưởng, hoài niệm. Người uống biệt riêng những phút giây tự đối diện với cuộc sống nội tâm của mình…

                    Đa dạng là văn hóa Việt. Nhưng ngày nay nó đã bị mai một, biến dạng vì mất đi cái gốc rễ cội nguồn. Nhưng rất may là “văn hóa Cà Phê Việt” vẫn là điều đáng để người đời trân trọng. Dường như có một sức mạnh thần bí nào đó đã làm cho bất kỳ ai khi đang ngồi trước ly Cà Phê đều trở nên nhã nhặn, hiền lành, dễ mến. Người ta thường quên mất tuổi tác, địa vị, cũng như giai cấp của mình khi trước mặt là một ly Cà Phê bốc khói đang tỏa mùi hương quyến rũ. Đó thực sự là triết lý, và là sức hút hữu hình của Cà Phê.

                    Không giống như phong cách Cà Phê Starbuck của Mỹ, hay phong cách Milan của Ý. Hoặc kỳ lạ là đổ đường, Cà Phê vào đun chung như phong cách Thổ Nhĩ Kỳ. Cà Phê Việt hầu hết được pha theo phong cách Pháp, tức là dùng phin. Thích thú và hồi hộp chờ từng giọt Cà Phê rơi tí tách, là sở thích đặc biệt của dân “ghiền” Cà Phê. Muốn cho Cà Phê giữ được độ hấp dẫn, người ta thường ngâm chiếc ly của mình trong một cái chén (bát) nước nóng…

                    Khi những giọt đắng cuối cùng trên phin ngưng chảy, cũng là lúc chúng ta sắp sửa có quyền thưởng thức ly Cà Phê tuyệt vời. Một chút đường trắng, chiếc muỗng nhỏ xíu như đồ chơi trẻ em trên tay, ta khuấy nhẹ, thật nhẹ thôi, thả lỏng toàn thân cho tâm hồn thư thái. Và khi nâng ly Cà Phê lên môi, một mùi thơm ngất ngây pha chút ngai ngái, ngầy ngậy lan tỏa trong khoang mũi, cộng với vị đắng dịu dàng trên môi, ta cảm nhận hương vị Cà Phê đang tan ra trong miệng, thấm sâu vào tận trái tim khối óc. Lâu lâu nhấp một ngụm nhỏ để lặp lại cảm giác tuyệt diệu này, đó quả là những phút giây hạnh phúc…

                    Công năng kỳ diệu đến thần bí của Cà Phê có lẽ là nhờ nó đã làm cho con người thư thái. Chính vì vậy trước ly Cà Phê, một gã giang hồ cộm cán cũng trở nên hiền lành. Người đang nóng giận cũng trở nên mềm mại. Người đang buồn chán cũng trở nên yêu đời. Và người mệt mỏi bỗng thấy tràn đầy sinh lực. Chính điều đó đã giúp cho văn hóa Cà Phê Việt đứng vững trước những băng hoại của lối sống gấp gáp, hối hả, vội vàng… 

                    Ở Việt Nam, nói đến Cà Phê thì phải nghĩ ngay đến Sài Gòn và các tỉnh từ Nam Trung Bộ trở vào. Văn hóa Cà Phê đã gắn liền với đời sống đa dạng của người Miền Nam, giống như Trà (Chè) của Miền Băc vậy. Sài Gòn có hàng ngàn quán Cà Phê khác nhau. Người ta có thể mua được Cà Phê bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào không quá phạm vi bán kính vài trăm mét.

                    Sở thích buổi sáng của người dân Sài Thành chính là "Cà Phê đường phố", vừa uống Cà Phê vừa ngắm dòng người xe qua lại, có lúc nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe. Người ta cũng có thể biết được kết quả bóng đá cúp Champions league tối qua ra sao, nhà ông nọ mới bị trộm đột nhập, một diễn viên nổi tiếng dính Scandal tình ái, biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, hay công an vừa bắt giữ Giáo Dân tại Vinh. Tất tật tin thời sự có thể biết được quanh ly Cà Phê buổi sáng.

                    Ở Sài Gòn còn có những quán Cà Phê “xịn” cả về phong cách cũng như chất lượng. Rất tiếc nó lại thường chỉ mở cửa về chiều và ban đêm. Có thể kể đến quán CUCKOO COFFEE tại Thanh Đa, mà ở đó người ta uống Cà Phê theo số từ 1 đến 5; nhưng đã là dân sành điệu thì dứt khoát chỉ uống số 1 (100% Cà phê Arabica Đà Lạt) mà thôi. Tìm chút phong cách nghệ sỹ, văn thơ, ta có thể đến “Cà Phê Du Miên” Hẻm Trịnh, Giọt Đắng, Mưa Chiều, Đợi, Lối Về vv.., hàng trăm cái tên đầy màu sắc. Nhưng có vẻ như những chốn ấy chỉ hợp với dân chơi và khách du lịch, phù hợp phong cách “tự tình”, “tự sự”...

                    Những người thích thoáng đãng thường chạy xe ra bờ sông Sài Gòn uống Cà Phê Bến Nghé, Thủ Thiêm. Vừa thưởng thức Cà Phê, hít thở khí trời, vừa cảm nhận cái mùi mặn nồng tanh tanh của sông nước, trải hồn theo những con sóng nhỏ nhấp nhô. Xa xa phía Quận 2; những con phà đêm đang cần mẫn đưa người qua sông đến với Quận Nhất và Quận 3; là trung tâm náo nhiệt nhất Sài Gòn.

                    Dù là ta đang ngồi ở quán Cà Phê tầng thứ 33 của Sài Gòn Central Quận Nhất, hay Cà Phê Chiều Tím Quận 5, hoặc trong một quán cóc rêu phong gần cầu Xóm Củi Quận 8, thì hàng đầu vẫn phải nhắc đến, đó là chất lượng một ly Cà Phê Việt. Ly Cà Phê Việt phải có phong cách Việt. Nếu phong cách “Tây” quá thì hẳn là nó chỉ phù hợp với người phương tây. Nhưng nói đến Cà Phê Việt thì nhất thiết phải nhắc đến Cà Phê đen, và không thể không nhắc đến Tây Nguyên là thủ phủ của Cà Phê Việt Nam.

                    Tuy một vài năm gần đây cũng xuất hiện nhiều các quán Cà Phê phong cách tại Ban Mê Thuột, Pleiku, Đà Lạt. Nhưng giới uống Cà Phê nhiều nhất và sành uống nhất vẫn là dân lao động và công chức Tây Nguyên có gốc gác di dân từ các tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Cái mà không đâu có được, chính là người uống Cà Phê ở Tây Nguyên có thể ngồi ngay cạnh vườn Cà Phê để uống. Nhất là vào mùa Cà Phê ra hoa, hoa Cà Phê nở rộ trắng ngần, tỏa hương thơm ngát, quyến rũ bao loài ong bướm lạ mắt từ đâu đổ về lấy nhụy làm mật, làm cho những nhành hoa cứ luôn lay động, như có hơi gió sớm thoảng qua. Những cảnh đẹp đẽ thơ mộng ấy nếu muốn thì có thể tìm thấy ngay tại ngoại ô các thành phố như Pleiku hay Ban Mê Thuột, chứ chẳng cần phải chạy xe đến tận các biệt khu trồng Cà Phê xa xôi...

                    Phải chăng văn hóa Cà Phê Việt tồn tại và phát triển là do tâm hồn người Việt? Điều đó rất đúng. Nhưng còn một yếu tố khác làm nên văn hóa Cà Phê, đó là nhờ triết lý Cà Phê và sức mạnh quyến rũ đầy nhân tính của hạt Cà Phê. Sự kỳ diệu đó là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. May mắn cho người dân Việt là họ được thiên nhiên ưu đãi cho những vùng đất đỏ Bazan phù hợp với cây cà phê ngon và đặc biệt là vùng Cầu Đất - Đà Lạt nơi có độ cao trên 1.500 mét và đất bazan phong hóa màu mở để cho ra loại hạt cà phê Arabica ngon nhất thế giới. Trải qua bao nắng mưa dầu dãi, thấm đượm mồ hôi người trồng. Trải qua đau đớn trong lửa, nước, xay nghiền, không giống như Gạo sau xay giã thì trắng như ngà ngọc. Cà Phê tuy mang màu đen sẫm, nhưng trong lòng lại chan chứa bao thi vị cuộc đời…

                    Nối tiếp bài hướng dẫn pha chế cà phê nguyên chất trên thế giới kỳ trước là phương pháp pha chế bằng dụng cụ French press vô cùng độc đáo và tinh tế. Khám phá thôi nào các bạn!

                    Pha chế cà phê bằng dụng cụ French press

                    Cách pha cafe bằng dụng cụ French press sẽ cho một tách cà phê đậm đà và nguyên chất đó các bạn nhé. Mặc dù đôi khi gây sự khó chịu vì trong nước cà phê còn sót lại ít cặn cà phê, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng, cách chế biến cà phê cầu kỳ bằng dụng cụ French press này mang đến hương vị cà phê thực sự tinh khiết. Nhưng hãy cẩn thận: Trong tất cả các phương pháp, phương pháp nén kiểu Pháp có lẽ dễ bị chất cặn nhỏ trong quá trình chiết cà phê. Do đó, cần đổ cà phê ra một cái hủ, cốc hoặc bình đựng cà phê ngay sau khi được chiết các bạn nhé.

                    Dụng cụ cần thiết cho phương pháp pha chế này:

                    • Hạt cà phê nguyên chất 
                    • Máy xay cà phê
                    • Bàn cân
                    • French press
                    • Đồng hồ bấm giờ
                    • Thìa gỗ

                    Đun sôi lượng nước cần thiết cho việc pha cà phê. Đối với loại nén 17 ounce (đơn vị đo lực), bạn cần khoảng 400 gram nước.



                    Trong lúc đun sôi nước, xay lượng hạt cà phê nguyên chất bạn cần dùng để pha chế.

                    Đổ từ từ nước đã đun sôi (theo hướng ngược chiều kim đồng hồ) lên bề mặt bột cà phê nguyên chất vừa xay. Chúng tôi đề xuất bắt đầu với lượng cà phê có tỷ lệ là 1:10 so với lượng nước. Vì vậy, nếu bạn có 40 gram cà phê, thì đổ vào khoảng 400 gram nước.

                    Khuấy tròn nhẹ nhàng bột cà phê bằng thìa tre dẹt hoặc đũa. Hình dung tác dụng của nó giống như mái chèo khuấy nhẹ nhàng. Để bột cà phê nở trong khoảng 30 giây.

                    Thêm phần nước còn lại vào và đậy nắp nhẹ nhàng lên bề mặt bột cà phê. Khoan hãy nhấn nắp xuống. Ngâm cà phê khoảng 4 phút. Đừng áng chừng bạn nhé!

                    Ấn đầu lọc xuống. Nếu khó ấn, điều đó có nghĩa là bột cà phê nghiền quá mịn, nếu bộ phận nén rơi ngay lập tức xuống đáy hủ, điều đó có nghĩa là bột cà phê nghiền quá lớn. Điểm giới hạn, áp lực tốt nhất khoảng 15-20 pound. Nếu không chắc chắn được lượng cà phê và nước, các bạn hãy dùng bàn cân nhé!

                    Sau khi bạn vừa nén bột cà phê xuống đáy, chiết ngay nước cà phê ra nhé. Đừng ngâm lâu cà phê nhé, vì bã cà phê có thể gây ra cặn. Thưởng thức ngay ly cà phê nguyên chất bạn vừa pha nào!

                    Giá của một bộ dụng cụ French Press khoảng 29,69$. Các bạn có thể tham khảo giá và mua tại các website thương mại điện tử như Amazon.

                    Thử ứng dụng ngay cách pha cafe thú vị này cho quán cafe của bạn nhé!

                    Đón đọc bài hướng dẫn tiếp theo để chờ xem phương pháp pha chế tuyệt vời nào được đề cập nha các bạn!

                    Dịch bởi Cariboo Café

                    Đã từ rất lâu tôi tự hỏi rằng loại cà phê nào có “vinh hạnh” được phục vụ tại Nhà Trắng. Liệu loại thức uống đó thực sự tao nhã như những người sử dụng nó. Có phải đã có một phương thức pha chế đặc biệt nào đó trên thể giới chỉ để dành cho những con người đặc biệt làm việc tại địa điểm độc nhất vô nhị này. Đó quả thật là một bí ẩn.

                    The White House.

                    Tôi bắt tay thực hiện “vụ điều tra” này vào đầu năm nay - và bao nhiêu nỗ lực mà tôi có thì đều đã bị cản trở. Tôi đã từng phát hiện rằng đôi khi cà phê Kona - thức uống đến từ Hawaii đã được phục vụ, và rằng Nhà Trắng cũng đã sử dụng nhiều loại như Starbucks và loại thức uống địa phương ME Swings. Nhưng tôi lại thấy rằng, tổng thống Obama luôn luôn uống trà.

                    Cà phê Kona

                    Nhưng cà phê gì đã được phục vụ vào bữa tiệc tối của các nguyên thủ quốc gia vào bữa tiệc chia tay Pennsylvania 1600?

                    Và vào một buổi tối thứ 5 Tôi đã tìm thấy những điều mình thắc mắc tại bữa tiệc diễn ra thường niên của Nhà Trắng, nơi mà tổng thống và đệ nhất phu nhân mời hàng trăm người (thường là phóng viên của các báo) đến tham dự.

                    Nằm trong một đường hành lang sang trọng, gần đó có bức tượng của Tổng thống John F.Kennedy và bên ngoài phòng ăn của Hội đồng là một trạm cà phê. Một cái bình đựng khổng lồ bằng bạc và các kệ ly chén đột nhiên xuất hiện trước mặt tôi.

                    Starbuck Verona – Cà phê dùng cho Nhà Trắng.

                    Và sau bao tháng trăn trở với những câu hỏi không có lời giải đáp, tôi đã phát hiện ra nó nhờ một tiếp viên luôn rót cà phê cho bất cứ ai đi qua.

                    Tôi hỏi: “Loại cà phê đang được phục vụ là gì vậy?”

                    Cô không ngần ngại: “Starbucks Verona”, dễ dàng như vậy đó.

                    Hiện nay, liệu đó có phải là loại cà phê tốt nhất có thể để cung cấp cho một nơi xa hoa như Nhà Trắng? Có lẽ là không, vì loại này chỉ được bán với giá 7.93$ tại Walmart.

                    Nhưng không có một ai - ít nhất là tối thứ năm ấy, nơi mà cà phê được đem lên bàn cân với các thức uống khác như champage, “spiked eggnog” - dường như có vấn đề gì đó.

                    Được viết bởi Matt Viser.

                    Cà phê là đồ uống rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Hiện để thuận tiện hơn cho việc sử dụng, cà phê còn được chế biến dưới dạng lon hay cà phê tan . Tuy nhiên, đối với những người thực sự “sành”, cà phê nguyên chất vẫn là lựa chọn số 1.
                    Cà phê chinh phục được khẩu vị của nhiều người nhờ có hương vị rất đặc trưng. Bên cạnh đó, nó còn giúp trí óc tỉnh táo cùng nhiều tác dụng rất có lợi đối với sức khỏe của người dùng. Do vậy, cà phê nguyên chất là đồ uống được rất nhiều người, đặc biệt là phái mạnh lựa chọn.

                    1. Cảm nhận được hương vị đúng “chất” cà phê

                    Ly cà phê nguyên chất đúng điệu

                    Khi thưởng thức cà phê mỗi người cũng có phong cách riêng, người thì không thể thiếu đường, có người buộc phải cho thêm sữa. Song đối với những người thực sự “sành”, đa phần đều chọn cà phê nguyên chất pha một chút đường - đây là cách uống thực sự hiệu quả nếu muốn thưởng thức trọn vẹn hương vị của ly cà phê - đắng nhưng đậm đà khó quên.

                    2. Giúp tăng cường khả năng sáng tạo và hoạt động

                    Bạn đã bao giờ uống 1 ly cà phê sáng trước khi bắt đầu làm việc? Và bạn có cảm thấy thoải mái, thư giãn và muốn bắt tay vào công việc ngay?

                    Caffeine là hoạt chất chính trong cà phê nguyên chất. Mặc dù, caffeine cũng có trong trà, ca cao hay chocolate…, nhưng về hàm lượng, trong cà phê nguyên chất là nhiều hơn cả.

                    Cà phê nguyên chất giúp sáng tạo thăng hoa

                    Không chỉ có vậy, cà phê nguyên chất còn làm tăng tiết những hormon như adrenalin, cortisol giúp cơ thể có thể tăng cường khả năng hoạt động. Nhờ đó, người hoạt động thể lực như luyện tập thể dục - thể thao sẽ dẻo dai, bền bỉ và dễ dàng đạt được các mục tiêu đã đề ra.

                    3. Bảo vệ sức khỏe, giảm căng thẳng, tạo hứng khởi để làm việc

                    Khi căng thẳng, mệt mỏi ùa về - đó chính là lúc bạn cần 1 ly cà phê!

                    Luôn ở trạng thái sẵn sàng làm việc

                    Chất caffeine có trong cà phê nguyên chất còn có tác dụng kích thích tuần hoàn và hô hấp, lợi tiểu nhẹ, có thể dùng để trợ tim hoặc giúp dễ thở. Trong y khoa, caffeine cũng thường được phối hợp dùng trong nhiều loại thuốc trị cảm sốt như Excedrin, Midol, Anacin để làm giảm đau, giảm mệt mỏi.

                    5. Tạo sự kết nối với mọi người

                    Bên ly cà phê mọi người cũng có thể xích lại gần nhau hơn.

                    Cà phê nguyên chất cũng là đồ uống không chứa cồn được nhiều nam giới lựa chọn khi giao dịch với đối tác, cũng như khi trò chuyện thân mật với bạn bè.... Trong môi trường nào, bên ly cà phê mọi người cũng có thể xích lại gần nhau hơn, dễ dàng sẻ chia và đồng cảm hơn.

                    6. Cà phê đã trở thành văn hóa của người Việt vào mỗi buổi sáng.

                    Nhấm nháp ly cà phê nguyên chất vào buổi sáng đã trở thành thú vui của nhiều người. Họ tìm đến những quán cà phê quen thuộc, nhìn từng giọt cà phê rơi, lắng tai nghe tiếng nhạc - là cách để loại bỏ đi những căng thẳng trong cuộc sống, cũng như công việc.

                    Nhấm nháp ly cà phê nguyên chất vào buổi sáng đã trở thành Văn hóa Việt!

                    Những tác động tích cực của cà phê nguyên chất đối với sức khỏe và tinh thần là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả cao nhất của loại đồ uống tuyệt vời này, chúng tôi khuyên bạn cần sử dụng ở mức độ hợp lý và phải lựa chọn được những sản phẩm cà phê nguyên chất sạch và có chất lượng.

                    Chúc các bạn có thêm nhiều ý tưởng và nhiều niềm vui hơn nữa từ những ly cà phê nguyên chất đúng điệu!

                    Nguồn: Sưu tầm

                    Author Name

                    Biểu mẫu liên hệ

                    Tên

                    Email *

                    Thông báo *

                    Được tạo bởi Blogger.