Tỷ phú tuổi 25 Evan Spiegel - một "gã điên thiên tài"

CEO của Snapchat là tỉ phú trẻ tuổi nhất và cũng... "điên" nhất trong làng công nghệ thế giới. Thế nhưng những thành công của anh khiến tất cả thế giới phải công nhận anh đúng là một thiên tài.


Ở tuổi 25, Evan Spiegel hiện là tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới hiện nay. Những gì anh có được đủ để khiến người ta mơ ước: sinh ra trong một gia đình đầy đủ (thậm chí có thể nói là giàu có), đi học tại Stanford (sau đó bỏ học) và sở hữu ứng dụng nhắn tin hấp dẫn bậc nhất dành cho giới trẻ hiện nay - Snapchat. Tất cả những thành công đó không chỉ đến từ sự hậu thuẫn của một gia thế vững chắc, chúng đến từ sự "điên" của chàng trai đặc biệt này.

Từ một ứng dụng "chẳng giống ai"

Ra đời vào tháng 9 năm 2011, giữa lúc Mark Zuckerberg đang làm mưa làm gió với thành công của Facebook, Snapchat của Spiegel như một hiện tượng của làng công nghệ. Ý tưởng kỳ dị về một ứng dụng nhắn tin... tự động xóa tin nhắn sau khi người đọc đã xem là điều không ai nghĩ tới, thậm chí bị coi là "điên".

Suy nghĩ của Spiegel là người ta chẳng nên cố gắng xây dựng một "bức tường thông tin" của họ trên mạng xã hội làm gì, họ chỉ nên chia sẻ với nhau những khoảnh khắc, những cảm xúc tại thời điểm nói chuyện với nhau.


Sự điên rồ trong ý tưởng đó đã giúp Snapchat nhanh chóng chinh phục giới trẻ tại Mỹ. Ứng dụng này được ưa chuộng bởi người ta có thể yên tâm gửi cho nhau những thông tin quan trọng, những lời chia sẻ mà chắng sợ chúng bị phát tán rộng rãi như ở trên Facebook. Với Snapchat, mọi thứ chỉ đơn giản là giao tiếp, chia sẻ và... quên nó đi (bạn có muốn nhớ cũng chịu vì Snapchat sẽ tự động xóa tin nhắn).

Snapchat theo đuổi lối thiết kế đơn giản, độc đáo thay vì đa dạng chức năng như nhiều mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin hiện nay. Đứa con tinh thần của Spiegel đơn giản đến mức nó chẳng có tính năng nào khác ngoài chụp ảnh, quay video, gửi tin nhắn đến bạn bè trong danh sách.

Thế nhưng Snapchat là một sản phẩm thành công, ít nhất là tính cho tới thời điểm hiện tại. Sau khi từ chối lời đề nghị mua lại của Facebook (3 tỷ USD) và Google (4 tỷ USD), giờ đây Snapchat được định giá thị trường lên tới 16 tỷ USD. Ứng dụng "điên rồ" của Spiegel đã trở thành một trong những sản phẩm công nghệ đáng chú ý nhất thế giới hiện nay.

Nói không với 3 tỷ USD từ Mark và Facebook

Nói đến sự "điên rồ" của Spiegel, không thể không nhắc đến câu chuyện giữa anh và Mark Zuckerberg - CEO của Facebook. Ở thời điểm năm 2012, khi Snapchat còn rất non trẻ và Evan Spiegel chẳng phải là một nhân vật nổi tiếng thì Mark đã chú ý tới anh. Lí do thì có lẽ ai cũng đoán ra: sự ra đời của Snapchat và sự yêu thích của giới trẻ dành cho nó đủ để khiến Facebook lo ngại.


Với tư cách là "kẻ bề trên", Mark rất lịch sự khi gửi đến Spiegel một bức email với nội dung: "Spiegel, hãy đến Menlo Park (trụ sở của Facebook) và chúng ta sẽ làm quen với nhau". Thế nhưng "gã vô danh" đã trả lời cho CEO của mạng xã hội có giá trị tới 20 tỷ USD lúc đó như sau: "Xin chào, tôi đang ở LA (Los Angeles), sao bạn không tới đây nhỉ?".

Và rồi Mark cũng phải chấp nhận "lời mời" đó của Spiegel. Cuộc gặp giữa ông chủ Facebook và 2 nhà đồng sáng lập Snapchat: Spiegel cùng Bobby Murphy diễn ra ở một nơi bí mật và mang bầu không khí căng thẳng.

Mark chẳng nói gì nhiều với 2 gã trai trẻ ngoài việc giới thiệu cho họ Poke, một ứng dụng mới của Facebook với tính năng gần như y hệt Snapchat. Ngụ ý của Mark khá rõ ràng: Các bạn nên biết thân phận đi vì chúng tôi sẽ vùi dập Snapchat.

Đáp lại lời tuyên chiến đó, Spiegel lẳng lặng quay về phòng làm việc và đặt 6 cuốn sách The Art of War (Binh Pháp Tôn Tử) cho 6 nhân viên lúc đó của Snapchat, mỗi người một cuốn.

Ngay khi Poke được trình làng vào cuối năm 2012, Mark gửi tiếp một lời mời sử dụng Poke cho Spiegel và hy vọng anh sẽ thích ứng dụng mới này. Gần như ngay lập tức, Spiegel và Murphy đã... khóa tài khoản Facebook của họ. Điều đáng nói là chỉ trong 3 ngày, từ một ứng dụng cực kì "hot" ở thời điểm ra mắt thì Poke nhanh chóng lụi tàn và bị chính Snapchat đá bay khỏi vị trí top 1 trên App Store. Và đó là lúc Spiegel mỉm cười.

Đến đây, chắc nhiều người sẽ hiểu được tại sao Mark một lần nữa liên lạc với Spiegel vào năm 2013 để đề nghị mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD. Với nhiều chuyên gia phân tích, đây là cái giá điên rồ cho một ứng dụng OTT chỉ 2 năm tuổi và chưa từng tạo ra bất cứ đồng lợi nhuận nào. Thế nhưng còn "điên" hơn cả quyết định của Mark, Spiegel đã đáp đơn giản: "Không".


Tính tới thời điểm hiện tại, mặc dù còn khá nhỏ bé so với Facebook nhưng Snapchat đã giúp Spiegel trở thành tỉ phú trẻ tuổi nhất thể giới với khối tài sản hơn 1,5 tỷ USD. Từ một startup vỏn vẹn chỉ có 6 nhân viên, giờ đây Snapchat đã có tới hơn 300 nhân viên và được định giá khoảng 16 tỷ USD trên thị trường. Nếu anh đồng ý với Mark ở thời điểm đó, có lẽ đã chẳng có một Snapchat cực kì thành công ngày hôm nay.

Một thế giới "không chuẩn"

Là người có suy nghĩ đặc biệt, cái cách mà Spiegel sống và làm việc cũng chẳng giống với những gì mà người ta coi là bình thường.

Sau khi phát triển bùng nổ và có hơn 100 triệu người dùng thường xuyên, Snapchat cũng bắt đầu xây dựng nội dung quảng cáo cho video. Vậy nhưng thay vì chấp nhận quảng cáo màn hình ngang (như nhiều video quảng cáo hiện nay), Spiegel bắt các nhà quảng cáo phải... làm quảng cáo cho video chiều dọc.

Lí do là bởi anh cho rằng việc phải quay màn hình chiếc smartphone sang ngang để xem video là "rất bất tiện". Với Spiegel, chẳng có gì là bắt buộc cả và anh chỉ muốn làm sao cho kết quả vừa ý nhất.

Quyết định của Spiegel nhận được sự nghi hoặc và thậm chí là quay lưng của nhiều đơn vị quảng cáo. Việc phải "theo" Spiegel đồng nghĩa với việc họ sẽ không thể tái sử dụng các đoạn video vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên Facebook, Youtube,... Đấy là chưa kể đến việc giá tiền để thuê quảng cáo trên Snapchat lên đến 20 USD cho mỗi 1000 lượt xem (giảm xuống từ 100 USD ban đầu).

Con số này cao hơn so với so với nhiều dịch vụ khác, và người ta tự hỏi liệu một dịch vụ chưa hề có các công cụ quảng cáo chuyên nghiệp như Snapchat có xứng đáng với số tiền đó?

Đáp lại sự nghi hoặc, Spiegel cho biết anh sẽ không thay đổi quan điểm của mình. Việc đặt quảng cáo theo chiều dọc sẽ giúp người dùng di động không phải khổ sở quay ngang màn hình mỗi khi xem video có chứa quảng cáo, và điều đó tăng xác suất họ sẽ xem hết đoạn quảng cáo kéo dài khoảng 10 giây.

Còn hơn cả lợi nhuận, lí do để Spiegel quyết định nó là bởi anh chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, và làm người dùng cảm thấy thoải mái mới là điều mà anh hướng đến.


Cách suy nghĩ của Spiegel đã thuyết phục được nhiều thương hiệu nổi tiếng. Snapchat đã kí hợp đồng với hơn 11 kênh nội dung, bao gồm cả CNN, MTV, Daily Mail, National Geographic, Yahoo... Bạn có thể theo dõi nội dung của những kênh này trong giao diện Discover của ứng dụng.

Thay vì chú tâm vào việc xây dựng nội dung kéo dài, những nội dung này sẽ chỉ tồn tại trong... 24h kể từ khi chúng xuất hiện. Điều này khuyến khích người ta chú tâm hơn đến nội dung mỗi ngày, thay vì kéo lướt qua và đinh ninh rằng mình sẽ tìm đọc lại "một lúc nào đó".

Sự "điên rồ" của Spiegel không dừng ở đó. Với lối tư duy nhất quán khi xây dựng Snapchat là các mạng xã hội không nên lưu giữ những nội dung cá nhân của người dùng, anh đã thẳng tay... xóa hết những dòng tweet của mình.

Spiegel cho rằng chúng ta chỉ nên sống và chia sẻ những khoảnh khắc hiện tại với nhau, và Snapchat là công cụ tuyệt vời để bạn làm điều đó. Tính tới thời điểm hiện tại, Twitter của anh có hơn 34 nghìn người theo dõi và có... 0 dòng tweet.

Chỉ mới 25 tuổi, những gì mà Evan Spiegel làm được có thể xem là một điều thần kỳ. Với tính cách khác người và lối suy nghĩ "điên rồ", chắc chắn thành công của Spiegel sẽ không chỉ dừng ở đó.
Labels:
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.