Henry Ford tin rằng người càng thành công khó có thể rời công việc của mình được bởi anh ta sẽ nghĩ đến công việc suốt cả ngày, rồi ban đêm lại mơ về nó. Cũng tốt thôi nếu nhiều người khác chỉ làm công việc của mình trong giờ hành chính, tiếp tục vào mỗi buổi sáng, dừng lại vào buổi tối và chẳng quan tâm đến nó nữa cho đến tận sáng hôm sau. Bởi vì khi đó sự thành công sẽ ít bị cạnh tranh.
Bạn hoàn toàn có thể làm đúng như vậy nếu bạn chỉ muốn có một cuộc sống bình lặng. Nhưng như thế, bạn sẽ chỉ có thể là một nhân viên. Đơn thuần là một nhân viên có trách nhiệm chứ không bao giờ trở thành một ông chủ được.
Trách nhiệm của người đi làm cũng tương tự như một học sinh. Nếu bạn đến trường vào mỗi buổi sáng và ra về vào buổi chiều, thì bạn đã hoàn thành trách nhiệm của một học sinh.
Một học sinh bình thường sẽ quăng sách vở vào một góc ngay khi tan trường và không đoái hoài gì nó cho tận sáng hôm sau. Nhưng để leo lên đẳng cấp mới, một học sinh giỏi vẫn sẽ tiếp tục suy nghĩ về chuyện học hành cho dù đã tan trường.
Vì vậy, nếu muốn là công nhân thì bạn không nên tiếp tục suy nghĩ về công việc của mình khi đã hết giờ làm việc. Nhưng nếu bạn muốn tiến xa hơn và có nhiều dự định thì tiếng chuông báo hết giờ làm việc mới chỉ là báo hiệu đã đến lúc bạn phải nghĩ lại về công việc mình đã làm trong ngày hôm đó để tìm ra cách thức làm việc hiệu quả hơn.
Theo cha đẻ của ngành công nghiệp ô tô Henry Ford, khi một người bận rộn với công việc và có nhiều vấn đề để suy nghĩ sẽ có xu hướng thành công hơn. Một người luôn làm việc, chẳng bao giờ rời công việc của mình ra, người mà luôn có tư tưởng tiến thân cuối cùng sẽ thành công.
Trong vậy lý, một động cơ mười mã lực sẽ không thể có sức kéo bằng động cơ hai mươi mã lực. Tương tự, một người chỉ làm việc giờ hành chính sẽ có quyền hành hạn chế. Nếu bạn làm tốt công việc mình được giao thì đó mới chỉ là hoàn thành trách nhiệm. Do vậy, để vươn lên trở thành ông chủ, bạn cần làm cho mình bận rộn.
Người chăm chỉ có hạnh phúc về vật chất và tinh thần hơn người chỉ hoàn thành trách nhiệm?
Nhà khoa học vĩ đại Pasteur từng nói về “sự thanh thản trong thư viện và phòng thí nghiệm.” Tại sao lại tìm được sự thanh thản trong những nơi đó? Vì người làm việc trong thư viện và phòng thí nghiệm luôn miệt mài nghiên cứu khoa học và không còn tâm trí để lo lắng về vấn đề cá nhân của mình. Họ hiếm khi bị suy sụp tinh thần và trông hạnh phúc hơn bởi không có thời gian để phung phí cho việc lo nghĩ.
Tại sao việc đơn giản giữ cho mình luôn bận rộn lại có thể xua tan nỗi lo lắng và khiến chúng ta vui vẻ hơn? Các nhà tâm lý có thể giải thích điều này dựa trên một quy luật cơ bản nhất của tâm lý học. Một người dù thông minh đến mấy cũng không thể đồng thời nghĩ đến hai điều.
Không thể cùng một lúc vừa hăng hái và nhiệt tình làm mọi việc gì đó mà vừa cảm thấy lo lắng, buồn chán. Trạng thái cảm xúc này sẽ loại bỏ trạng thái cảm xúc kia.
Năm 1774, có người đến thăm một bệnh viện điều dưỡng và đã bị sốc trước hình ảnh những bệnh nhân tâm thần tại đây đang hì hục chăm chỉ quay sợi lanh. Anh ta cứ nghĩ những con người khốn khổ này đang bị bốc lột, cho đến khi được giải thích rằng các bệnh nhân cảm thấy hạnh phúc hơn khi có lao động đôi chút. Làm việc sẽ xoa dịu các dây thần kinh của bệnh nhân.
Thông thường, trí tưởng tượng lúc thảnh thơi sẽ vẽ ra những viển cảnh và khả năng không tưởng nhất, sau đó lại phóng đại hậu quả của chúng lên. Những lúc như thế, đầu óc ta như một động cơ quay tít. Phương thuốc hữu hiệu để ngăn chặn những việc như thế là làm cho tâm trí bận rộn với một công việc tích cực nào đó.
Khi lao mình vào công việc, máu trong cơ thể sẽ lưu thông mạnh mẽ, trí óc sẽ năng động và nguồn sống dồi dào của cơ thể sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn. Và bất cứ khi nào bạn có thể hoạt động nhiều hơn thì những gì bạn xứng đáng nhận được cũng nhiều hơn. Đó sẽ là vật chất hoặc tinh thần và cũng có thể là cả hai.