Khởi đầu khó khăn
Dung Tấn Trung sinh năm 1967, cùng với một số thành viên trong gia đình rời Việt Nam khi mới 17 tuổi.
Năm 1985, ông đặt chân đến Mỹ với chỉ 2 USD trong tay cùng vốn tiếng Anh ít ỏi. Nhưng nhờ không ngừng nỗ lực, cố gắng Dung Tấn Trung đã được nhận vào Đại học Massachusetts ở Boston.
Để có tiền ăn học và giúp đỡ gia đình, Dung Tấn Trung phải đi làm thêm 30 giờ mỗi tuần với đủ thứ công việc cực nhọc ở Boston từ rửa bát cho đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính. Hàng tháng, ông trích một phần ba khoản thu nhập để gửi về cho gia đình ở Việt Nam.
Năm 1988, Dung Tấn Trung tốt nghiệp cử nhân khoa học máy tính và toán ứng dụng. Sau đó tiếp tục lấy bằng cao học, khi đang làm luận án tiến sĩ mẹ ông bị bệnh ung thư, nên Dung Tấn Trung phải tạm dừng việc học và dành toàn bộ thời gian đi làm để có tiền lo cho mẹ. Đến năm 1992, ông đã hoàn tất được chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Khoa học máy tính.
Ông Dung Tấn Trung-Tổng giám đốc Mobivi trong buổi chia sẻ diễn ra vào ngày 2/4/2015
Thành công = ý tưởng + thời điểm tốt
Chia sẻ trong một chương trình do nhóm Life B tổ chức vào ngày 2/4/2015, Dung Tấn Trung cho biết ông khởi nghiệp vào năm 1995, đúng thời kỳ Internet bắt đầu phát triển.
Khi đó, ông tham gia sinh hoạt trong một ngôi chùa tại Boston và một nhà sư than phiền với ông rằng mỗi khi có dịp lễ muốn gửi thư cho cộng đồng người Việt nhưng không biết địa chỉ. Dung Tấn Trung đã viết ra một chương trình giúp thu thập thông tin về địa chỉ của những người Việt tại Boston.
Chính từ chương trình này, ông nảy ra ý tưởng phát triển công nghệ giúp tổng hợp thông tin và đưa vào database ( cơ sở dữ liệu).
Dung Tấn Trung đã bỏ công việc kỹ sư trưởng tại công ty Open Market và thành lập ra công ty On Display với mong muốn phát triển một chương trình giúp các công ty kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua mạng.
Theo ông Trung, vì ứng dụng của ông đang đi trước nhu cầu thực tế nên thời gian đầu công ty đã gặp nhiều trở ngại trong việc thuyết phục đối tác và khách hàng. Tại thời điểm đó, nguồn thông tin trên Internet còn rất hạn chế. Một số người đánh giá ý tưởng của ông khá hay nhưng lại đặt ra câu hỏi rằng "Tôi sẽ làm gì với nó?".
Sau một thời gian kiên trì thuyết phục, một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ đã đồng ý đầu tư 3,5 triệu đô nhưng điều đó là không đủ để On Display duy trì. Dung Tấn Trung cho biết lúc đó ông đã phải chấp nhận làm những việc không ai muốn làm để sống. Nhiều nhân viên và cộng sự giỏi cũng rời bỏ ông mà đí. Trong 2 năm ( 1996 và 1997), Dung Tấn Trung lúc nào cũng có cảm giác ở trên bờ vực thẳm.
Điều kỳ diệu đã xảy ra vào năm 1998 khi hàng loạt công ty cảm thấy việc cần thiết phải thu thập thông tin. On Display phát triển rất nhanh và đến năm 1999, công ty tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và lọt vào Top 10 công ty IPO đạt kỷ lục tại thị trường Mỹ vào thời điểm đó. Năm tháng sau, On Display được chuyển nhượng cho Vignette với cái giá 1,8 tỷ USD.
Thành công của Dung Tấn Trung đã được ca ngợi trên nhiều tờ báo và tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle...
Ông cũng vinh dự xuất hiện trong cuốn sách "The American Dream" (Giấc mơ Mỹ) của Dan Rather.
Trở về Việt Nam, ông đã lập ra Công ty cổ phần Hỗ trợ Dịch vụ Thanh toán Việt Phú (được biết nhiều với sản phẩm ví điện tử Mobivi) và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc của công ty này.
Theo ông Trung, khi khởi nghiệp ý tưởng hay là chưa đủ, còn cần phải có tiền hoặc nhà đầu tư. Trong quá trình thuyết phục đối tác cần phải kiên trì và đừng dễ dàng bỏ cuộc.