Một cốc Starbucks bán ở Việt Nam trung bình rơi vào tầm giá 85.000 đồng-105.000 đồng, quá “chát” so với mức sống của người dân Việt Nam nói chung. Nhưng luôn có cách để chúng ta có thể bước vào một quán Starbuck mà chỉ mất một số tiền đã định, dưới giá niêm yết.
Linh hoạt
Không cần thiết phải giới hạn bản thân ở những mẫu đồ uống được gợi ý bằng những hình ảnh đẹp đẽ được in nổi bật trong quán. Có rất nhiều lựa chọn để bạn vẫn có thể uống thứ nước mình thích nhưng có giá dưới mức 85.000 đồng, ví như hãy gọi một cốc Espresso 35.000 đồng chẳng hạn. Nếu bạn nghĩ ít tiền đồng nghĩa với ít thú vị hơn thì có thể bạn đã lầm. Espresso rất thích hợp cho những người thường chỉ biết đến cà phê được rót trong những chiếc tách hoặc cốc nhỏ, có thể pha thêm chút đường sữa, giữ được vị đắng đặc trưng và chê tới tấp Frappuccino - thứ cà phê được pha thêm nhiều sữa, kem, caramel và các vị như Latte hay Moccha. Nó không những rẻ hơn mà cũng ít calo hơn. Còn nếu muốn ít caffein thì có thể gọi một cốc Americano.
Chia đôi
Đồ uống của Starbucks được đựng trong những cốc rất to. Nó có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi những cửa hàng bán đồ uống cùng loại khác. Thường thì bạn khó lòng uống hết sạch cốc đó. Nhưng bạn có thể mua một cốc to và san sang một cốc khác để chia sẻ với bạn mình. Đương nhiên Starbucks sẽ không tính phí phục vụ với cái cốc san thêm đó đâu.
Thực đơn bí mật
Ảnh: bradwarthen
Trong thực đơn của Starbucks, chỉ có 3 mức Tall, Grande và Venti. Nhưng khách hàng vẫn có thể đặt loại “Short”, nhỏ hơn, rẻ hơn mà vẫn có nguyên lượng càn phê espresso như Tall. Nhiều người không biết điều này và nghiễm nhiên chọn Tall. Bằng việc gạt đi sự nhạy cảm về giá của người tiêu dùng, Starbucks thu được một khoản khá hời từ việc thiếu thông tin này. Loại Venti và Grande thực sự cũng có lượng caffein như nhau, và khác biệt lớn nhất nằm ở lượng sữa. Venti nhiều sữa hơn nên nó đắt hơn.
Điều này cũng tương tự như cách làm dịch vụ của các công ty đường sắt thời kỳ đầu. Nhà kinh tế học người Pháp Emile Dupuit đã từng có lời bình luận về các tuyến đường sắt khi mới khánh thành với các toa hạng ba được xây dựng mà không có nóc, mặc dù cái nóc thì cũng khá rẻ: “Những gì các công ty đang cố gắng làm là ngăn chặn các hành khách có thể trả tiền vé hạng hai chuyển xuống đi du lịch hạng ba. Dù dịch vụ hạng ba tự dưng bị kéo xa khoảng cách với hạng hai, khiến những người nghèo bị thiệt thòi, nhưng không phải vì muốn làm tổn thương họ. Sở dĩ các công ty đường sắt làm vậy là muốn ngăn chặn ngay ý định "keo kiệt" của nhóm khách hàng giàu có, bởi nếu chất lượng dịch vụ giữa các hạng chỉ hơn kém nhau chút xíu thì những người giàu, dù rủng rỉnh tiền cũng không ngại ngùng gì mà mua ngay hạng vé rẻ nhất.” Nguyên lý này cũng được áp dụng trong ngành hàng không, và dĩ nhiên là cả Starbucks.
Gọi ít đá
Đá quá nhiều sẽ chiếm một khoảng không gian đáng kể. Gọi một cốc ít đá sẽ giúp lượng đồ uống của bạn dường như nhiều hơn, và đặc biệt là ít loãng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng dễ khiến bạn gặp phải những cái nhìn không mấy thiện cảm của nhân viên với ý nghĩ "sao mà khôn lỏi thế!"
Mang theo cốc
Starbucks không chỉ đắt bởi đồ uống mà khách hàng còn phải trả tiền cho những chiếc cốc nữa. Do đó, với các quán Starbucks ở Mỹ, khi khách hàng tự dùng cốc của mình mang đến để mua cà phê, họ sẽ tiết kiệm được khoảng 10 xu (1/10 USD) cho mỗi cốc. Và nếu làm điều này ở Việt Nam, khách hàng sẽ bớt đi được 10.000 đồng. Có lẽ điều này cũng là một cách quảng cáo và gây ấn tượng rất khôn ngoan của Starbuck khi họ thiết kế những chiếc cốc đủ đẹp khiến khách hàng không nỡ vứt đi, cộng thêm việc bán cà phê bằng cốc mang đến, họ đã ngầm "trói" khách hàng trung thành theo cách riêng của mình.
“Mua buôn”
Ảnh: unpressablebuttons
Nếu đi chung một nhóm đông, cách tiết kiệm hợp lý nhất là gọi chung hẳn một ấm cà phê, rồi san ra làm nhiều cốc. Nó sẽ rẻ hơn là gọi đồ uống cá nhân.
Yêu cầu không phục vụ nước trắng cùng trà
Theo một thợ pha cà phê, trà đá sẽ được pha theo công thức trộn các loại nước từ lúc trà đặc cho đến khi nhạt nhất để phục vụ khách hàng. Do đó, nếu có khách hàng yêu cầu không pha nước, Starbucks sẽ khó có thể phục vụ bạn một cốc trà loãng và điều đó cũng giúp tiết kiệm được một ít tiền.
Nhiệt độ
Nhiệt độ không phù hợp sẽ làm thổi bay mọi hứng thú với đồ uống, và điều đó thực sự khiến từng đồng bạn bỏ ra là lãng phí. Nếu là người không uống được cà phê quá nóng, hãy đặt hàng theo nhiệt độ dành cho trẻ em và bạn sẽ thấy thoải mái hơn.
Tự pha chế
Ảnh: wishix789
Nếu là người khéo pha, muốn uống một cốc latte đá, bạn có thể gọi một cốc doppio hayespressos đá rồi đổ sữa vào và thưởng thức. Nếu muốn gọi latte trà (chai latte) mà không thích nó quá ngọt, có thể gọi trà túi nóng (ở Starbucks, trà rẻ hơn cà phê) rồi yêu cầu nhân viên đổ thêm sữa nóng vào. Tổ hợp này có giá rẻ hơn hẳn so với một cốc latte nguyên bản.
Chương trình nhận quà
Nếu đăng ký thẻ khách hàng thường xuyên, với 3 mức chào đón (sau khi đã đến quán uống lần đầu tiên) - bạn sẽ được hưởng ưu đãi như đồ uống miễn phí vào ngày sinh nhật, thẻ xanh (sau khi dùng 5 lần) và thẻ vàng (sau khi dùng thẻ 30 lần trong 12 tháng). Cố nhiên, cách tiết kiệm này cũng chỉ phát huy hiệu quả cho những tín đồ của Starbucks, còn nếu chỉ là những người uống cho biết hay thỉnh thoảng tạt qua giải khát thì việc đăng ký thẻ khách hàng cũng không có nhiều tác dụng lắm.
Có rất nhiều cách để người tiêu dùng giảm độ nặng của hóa đơn khi muốn uống một cốc Starbucks. Nhưng cách để bạn tiết kiệm được nhiều nhất thì nghe ngắn gọn hơn nhiều: “cai nghiện” hoặc giảm bớt lượng caffein nạp vào người!