Nước mắt công nhân cà phê.

Cà phê đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng triệu cư dân trên Tây Nguyên. Nhưng cà phê cũng mang đến nỗi niềm cho thân phận hàng vạn công nhân cả đời cực nhọc mà không thoát gánh nợ nần trong những doanh nghiệp yếu kém, tới nay vẫn duy trì lối phát canh thu tô trên mồ hôi nước mắt người lao động.

Bất bình vì cả đời lam lũ cống hiến mà nguồn tư liệu sản xuất vẫn bị áp đặt, khống chế bởi bộ máy lãnh đạo yếu kém, hàng nghìn công nhân cà phê (CP) ở các tỉnh Tây Nguyên đã hàng chục năm đấu tranh, khiếu kiện ròng rã.
Cách thủ phủ CP Buôn Ma Thuột 12 km, tiền thân Cty TNHH một thành viên (MTV) CP Cư Pul hình thành sau 1975 từ việc tiếp quản tài sản của ông Tư Yến-người tự tạo được đồn điền CP rộng lớn đầu tiên của người Việt trên Tây Nguyên.
Khi ông Tư Yến được chính quyền tín nhiệm mời trở lại làm giám đốc nông trường Cư Pul (1986-1990), Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm đã vui mừng bảo cán bộ tháp tùng: Các đồng chí không cần học đâu xa cả, hãy về Cư Pul mà học tập .
Thế nhưng từ năm 2001 tới nay, hơn 30 công nhân Cư Pul đã đấu tranh không ngừng với sai phạm của lãnh đạo nông trường rồi công ty, trong đó nhiều điều đã được Thanh tra nhà nước kết luận phản ánh đúng.
Ví dụ vòng đời cây cà phê 25 năm, nhưng hợp đồng khoán buộc nộp sản lượng tới 34 năm, tận thu vượt và trái quy định nhiều khoản bảo hiểm xã hội, khấu hao vườn cây, trù dập người lao động, không chấp hành lệnh trả đủ các khoản thu vượt của người lao động v.v… Năm 2004, giám đốc Nguyễn Ngọc Chuyên thừa nhận đã có những sai lầm.
Tuy nhiên, cho đến nay, 12 năm trôi qua, giám đốc Chuyên về hưu từ lâu, giám đốc kế vị Lê Ngọc Hạ lại đi theo vết xe đổ, phí của chung vào các dự án thí điểm thua lỗ, vừa gây khó dễ khi công nhân tìm cách tự cứu.
Mới đây sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Hoàng Trọng Hải ký CV 6284 ngày 1/9/2013 yêu cầu lãnh đạo Cty tiếp tục sửa sai, ông Hạ lại cho phá cả trăm trụ tiêu của 9 hộ công nhân trồng bên mép bờ lô CP già cỗi, dù họ luôn cố gắng nộp đủ mức khoán 5 tạ CP nhân xô/vụ/ha theo hợp đồng đã ký. Đưa chúng tôi tới chỗ Cty vừa sai người cắt lìa những dây tiêu đã ra trái bói rồi đổ thuốc diệt cỏ vào gốc, anh Phan Văn Trung công nhân đội 2 rơi lệ: Họ ác quá.
Sau nhiều lần đại diện báo Tiền Phong liên lạc nhưng ông Hạ đều cáo bận, chúng tôi đã về tận Cty chất vấn, phó giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Cty là ông Y Seng giải thích và cung cấp văn bản cho thấy Cty lấy cớ phá tiêu do công nhân… trồng dày hơn mật độ quy định.
Tình hình ở Cty Cà phê- Ca cao Krông Ana (huyện Krông Ana-Đắk Lắk) còn tệ hơn, với mấy trăm lao động cả chục năm qua cạn nguồn thu nhập sau khi bị lãnh đạo Cty buộc chặt bỏ hàng trăm hecta CP đang cho sản lượng khá để trồng ca cao, hậu quả là ca cao thưa trái, lỗ nặng. Phần diện tích CP hàng nghìn hecta còn lại cũng bị bộ máy quản lý gián tiếp đông cả trăm người của Cty tận thu vượt mức, tự đặt ra yêu sách đòi khấu hao tới hai lần.
Người lao động bị ép tứ bề
Công nhân ở Ia Pia, Ia Vêr (huyện Chư Prông-Gia Lai) từng có thời kỳ dài mỗi tháng chỉ được chi nhánh Vinacafe 2 cấp cho 12 ký gạo, 1 ký cá khô, 1 lít nước mắm để cầm hơi mà chăm bón CP, trong khi Tổng Cty ngày càng báo lỗ lớn hơn với nhà nước, sau giai đoạn ca ngợi đây là dự án đầu tư thành công của Tổng Cty CP VN.
Ở Cty CP Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai), mức khoán tận thu bất kể được mùa hay mất mùa đã đẩy nhiều công nhân vào thảm cảnh nợ nần. Chị Lê Thị Hương công nhân đội 2 rơi nước mắt khi đọc hợp đồng khoán, vì lô CP chị nhận đầy sâu bệnh, lương bị trừ gần hết vào nợ khiến gia đình chị luôn phải đong gạo từng bữa.
Nhiều hộ công nhân khác vay bên ngoài mua phân bón chăm sóc vườn cây nợ cả trăm triệu đồng, mà thu hoạch vẫn không đủ trang trải chi phí. Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh, là phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Đăk Đoa mở ngày 24/8/2012 đã xử 4 nữ công nhân tổng cộng 104 tháng tù giam vì đấu tranh quá đà với hợp đồng khoán bất công.
UBND tỉnh Gia Lai vào cuộc kiểm tra tình hình Cty CP Đăk Đoa, phát hiện nhiều điều bất ổn, phải đề nghị Tổng Cty CP VN chỉ đạo, hướng dẫn Cty Đăk Đoa chỉnh sửa phương án khoán theo đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo các Cty này đều đã nhiều lần từ chối làm việc với báo chí.
Mới đây, ông Phạm Văn Chúc, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên quyền giám đốc Cty CP Đắk Uy III ở Đắk Hà, Kon Tum dù đã nghỉ hưu nhưng bất bình thay cho công nhân ngành CP, đã gửi đơn thư đến Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, chứng minh các đơn vị thành viên của Tổng Cty CP VN đứng chân trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai- Kon Tum có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng các chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước về tiền lương, về các khoản thu trái Nghị định, Thông tư đã ban hành, chỉ “vì lợi ích nhóm mà chèn ép người lao động”.
Hoàng Thiên Nga

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.