Hầu hết nông sản khi xuất khẩu (XK)
được hưởng thuế suất giá trị gia tăng (VAT) 0%. Tưởng rằng, với chính sách ưu
đãi thuế như vậy sẽ hỗ trợ thúc đẩy XK. Tuy nhiên, 100% doanh nghiệp (DN) tham
gia XK càphê, hàng trăm DN xuất khẩu tiêu, điều, thủy sản… đều than thở, những
bất hợp lý về chính sách thuế đang khiến hoạt động XK nông sản bị đình đốn.
Vấn đề rắc rối là,
nông sản khi mua bán trong nước phải chịu thuế VAT, giao động từ 3-10% (tùy mặt
hàng). DN khi mua hàng trong nước đều phải nộp khoản thuế này; sau mỗi lô hàng
nông sản đã XK, DN làm thủ tục để được hoàn thuế VAT.
Bất hợp lý trong thu và hoàn thuế VAT
Trước đây, các thủ tục hoàn thuế khá đơn giản, chỉ cần hồ sơ có đủ các hóa
đơn VAT đầu vào là được nhận lại tiền thuế trong vòng 6 ngày (hoàn trước, kiểm
sau). Nhưng từ ngày 1/7/2013, Công văn 7527 của Bộ Tài chính quy định: cơ quan
thuế phải kiểm tra đầy đủ hóa đơn đến người bán hàng đầu tiên, nếu đạt thì DN
mới được hoàn thuế (kiểm trước, hoàn sau). Theo phản ánh của hầu hết các DN XK
nông - lâm - thủy sản, trong vài tháng qua, họ chưa được hoàn thuế VAT do cơ
quan thuế ở các địa phương lúng túng, chậm trễ trong việc kiểm tra hồ sơ. Nhiều
DN có nguy cơ không được hoàn thuế VAT, chỉ vì thương lái bán hàng cho họ không
nộp khoản thuế này.
Theo Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), thời gian qua, nhiều thương lái
thành lập DN trong thời gian chớp nhoáng. Các DN - thương lái này khi bán càphê
cho DN xuất khẩu, xuất hóa đơn ghi thuế VAT 5% và yêu cầu các DN mua hàng phải
thanh toán luôn khoản thuế này cho họ. Chẳng hạn, hiện giá càphê là 36.000
đồng/kg, cộng với 5% VAT, thì DN mua hàng phải trả 38.000 đồng/kg. Sau khi nhận
được tiền thuế VAT do DN mua hàng trả trước vào giá, lẽ ra họ phải nộp khoản
tiền này cho ngành thuế địa phương, nhưng họ tuyên bố phá sản hay thông báo
thua lỗ để giải thể. Thậm chí, nhiều DN trung gian “biến mất” vô tăm tích khiến
ngành thuế không tìm được đầu mối để đòi lại tiền thuế.
Truy thu thuế từ thương lái trung gian là nhiệm vụ của ngành thuế, thế nhưng
vì lúng túng trong việc này, ngành thuế lại đang đẩy rủi ro về phía DN XK. Nhiều DN cho rằng, khi mua càphê
của đối tác thì chỉ biết họ cấp hóa đơn là được, còn họ mua của đơn vị nào
trước đó làm sao DN kiểm tra được. “Vậy mà Bộ Tài chính bắt tôi phải biết hết
cả những khâu cung cấp hàng. Nhà nước cũng tạm thời ách thuế VAT. Nếu một khâu
nào đó trong chuỗi cung ứng bỏ trốn thì tôi cũng không được hoàn thuế. Rủi ro
như thế này thì sao DN dám kinh doanh”, giám đốc một DN nói.
Vicofa nhận định: Gian lận
thuế VAT đã phá vỡ môi trường kinh doanh tại Việt Nam, người làm ăn chân chính
đang chịu rủi ro. Tất cả DN
XK càphê đều đang ở tình trạng bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp vấn đề về thuế.
Nếu không ngăn chặn được tình trạng này sẽ không còn DN nào tại Việt Nam dám
tham gia thị trường càphê nữa.
“Sửa sai” vẫn chưa rốt ráo
Mới đây, cả Vicofa, Hiệp hội Tiêu Việt Nam (VPA) và Hiệp hội Mía đường Việt
Nam (VSSA) đã lần lượt gửi công văn lên Tổng cục Thuế đề nghị đưa thuế VAT từ
5% về 0% với càphê, tiêu và đường tiêu thụ nội địa. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch
Vicofa cho biết: 93% lượng càphê dùng XK (không phải nộp thuế VAT), chỉ 7% tiêu
thụ trong nước, nếu cứ để thu VAT sau đó hoàn lại sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực
(trốn thuế, nhũng nhiễu, tham nhũng…), mà cuối cùng ngân sách cũng không thu
được. “Ngành thuế nghĩ ra thuế VAT gán cho ngành càphê chỉ để công nhân viên
chức ngành thuế có việc làm, dù cuối cùng việc thu thuế VAT rồi hoàn lại chẳng
có lợi ích gì cho ngân sách, mà lại gây nhiều rắc rối cho hoạt động XK”, ông Tự
nhận xét.
Trước bức xúc của DN XK nông - lâm - thủy sản về Công văn 7527, Bộ Tài chính
đang đưa ra dự thảo để lấy ý kiến hướng dẫn bổ sung công văn này. Theo đó, dự
thảo đưa ra quy định mới: DN
XK nông - lâm - thủy sản có vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên; đã hoạt động sản
xuất, kinh doanh từ 3 năm trở lên; có kim ngạch XK của năm liền kề trước năm
phát sinh hồ sơ hoàn thuế từ 10 triệu USD trở lên... thì sẽ được hoàn thuế
trước, kiểm tra sau. Tuy
nhiên, một DN vừa và nhỏ hoạt động trong XK tiêu bức xúc, dự thảo này sẽ đẩy DN
vừa và nhỏ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. DN nhỏ nhưng thực hiện, chấp hành
tốt nghĩa vụ thuế thì sao lại bị xếp vào trường hợp kiểm trước, hoàn sau? Ngay
trong điều kiện xếp loại DN XK uy tín năm 2013 của Bộ Công Thương, DN XK chè có
kim ngạch 1 triệu USD, hạt tiêu 4 triệu USD, hạt điều 6 triệu USD, sản phẩm gỗ
8 triệu USD... Thế nhưng dự thảo lại đưa ra điều kiện trên 10 triệu USD mới
được hoàn trước, kiểm sau là bất hợp lý.
Ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam(VPA) cho biết,
việc chậm hoàn thuế VAT đã khiến DN XK tiêu thiếu vốn trầm trọng, phải ngưng
hoạt động hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Theo điều kiện mới đề ra trong dự thảo,
chỉ có khoảng 20 DN trong tổng số gần 200 DN của hiệp hội được hoàn thuế trước.
Chu Khôi