Kim ngạch XK giảm hơn 20%
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, khối lượng càphê XK tháng 9/2013 đạt 61.000 tấn, với giá trị đạt 130 triệu USD. Lũy kế XK càphê 9 tháng đầu năm đạt 1,03 triệu tấn, kim ngạch 2,21 tỷ USD, giảm 23,1% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Đức và Mỹ là hai thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 12,9% và 11%.
Ngành sản xuất, XK càphê Việt Nam đã trải qua một thập kỷ tăng trưởng vững chắc với kim ngạch XK 3 tỷ USD/năm. Niên vụ 2011 - 2012, ngành càphê đạt kim ngạch XK cao kỷ lục, lên tới 3,76 tỷ USD, nhiều năm liên tiếp giữ giá ở mức 40-50 triệu đồng/tấn càphê xô, đem lại lợi nhuận lớn cho nông dân.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nợ xấu của ngành càphê hiện ở mức 8.000 tỷ đồng, chiếm 60% tổng dư nợ của toàn ngành. Trong số 127 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu càphê năm 2012, đến nay, đã có 56 đơn vị ngừng kinh doanh hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh khác do không có khả năng thanh toán nợ ngân hàng.
Các thương nhân càphê ở nước ngoài ví von, nhiều DN xuất khẩu càphê của Việt Nam đã "tự đào hố chôn mình" vì phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay và thiếu kỹ năng tham gia thị trường kỳ hạn. Mặc dù Chính phủ đã quyết định giãn nợ cho các DN càphê từ 12 tháng lên 36 tháng, thế nhưng động thái này có lợi cho các ngân hàng nhiều hơn bởi thực tế, trong khi lãi suất đã hạ, nhưng chỉ DN nào vay những khoản mới thì mới có lãi suất 11-12%/năm, nhiều DN chưa trả được các khoản vay cũ thì vẫn tiếp tục phải chịu lãi suất cao, 16,5-17%/năm.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, rất nhiều yếu tố tác động bất lợi cho ngành càphê trong thời gian qua. Đặc biệt là các DN phải gồng mình chống "bão" khủng hoảng kinh tế và lãi suất cao ngất ngưởng nhiều năm, đến giờ mới biểu hiện rõ bằng việc thua lỗ, nợ nần, phá sản hàng loạt. Trong bối cảnh đó, các DN càphê nước ta còn phải cạnh tranh với các DN nước ngoài có vốn lớn, lãi suất thấp, dày dạn kinh nghiệm thương trường.
Giải pháp nào?
Càphê nước ta bắt đầu vụ thu hoạch từ tháng 10 hàng năm, vì vậy niên vụ càphê được tính từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 9 năm sau. Niên vụ càphê mới 2013 - 2014 bắt đầu vào ngày mai (1/10), trong tình hình nợ xấu, rào cản thuế VAT, thị trường bất ổn đang khiến ngành cực kỳ nguy cấp. Hầu như hoạt động mua bán càphê đang rơi vào cảnh tê liệt, vì cả nông dân, thương lái và DN đều không dám mạo hiểm, chưa biết diễn biến thị trường vụ mới ra sao.
Trong bối cảnh mặt bằng giá các loại nông sản đã có sự khác biệt rất lớn so với cách đây 5 năm thì giá càphê lại suy giảm. Năm 2007, giá càphê nội địa đã đạt mức 40 triệu đồng/tấn thì nay vẫn khó vượt nổi mức này, thậm chí hiện rơi xuống dưới 37 triệu đồng/tấn. Trong khi chi phí phân bón, nhân công, tưới nước cho cây càphê đã tăng gấp hơn 2 lần so với 5 năm trước khiến người trồng càphê ngày càng ít lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa, cho biết: "Hiện, giá bán càphê đã xuống thấp nhất trong nhiều năm gần đây, trong bối cảnh vụ mùa mới sắp thu hoạch khiến ngành càphê sẽ tiếp tục gặp họa lớn".
Hiện, các nước như Brazil, Indonesia đang tranh thủ cơ hội lúc ngành càphê Việt Nam suy yếu để nhảy vào thế chỗ nhiều thị phần XK của DN Việt. Nguy cơ ngành càphê nước ta có thể mất tới 1/3 thị phần XK trên toàn cầu trong những năm tới có thể xảy ra. Ông Nam nhận định, nếu không có giải pháp cấp bách cho ngành ngay từ đầu niên vụ mới 2013 - 2014, có thể dẫn đến kịch bản xấu nhất là ngành càphê Việt Nam sẽ đổ vỡ hoàn toàn.
Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Tài chính trong vòng 1 năm (bắt đầu từ 1/11/2013), ngành thuế không hoàn thuế cho bất cứ DN nào, như vậy mới giúp ngành càphê trở lại hoạt động bình thường, cạnh tranh lành mạnh, hàng hóa không bị ách tắc và Nhà nước cũng không thất thu. Ngành càphê cũng xin được đối thoại trực tiếp với Bộ Tài chính để xem xét lại chính sách thuế còn nhiều bất cập hiện nay.
Theo kinhtenongthon.com.vn