Mặc dù mới đầu tháng 7 âm lịch nhưng thị trường trung thu đã bắt đầu chộn rộn. Trên các ngả đường thành phố xuất hiện hai sắc đỏ, vàng quen thuộc của những gian hàng bánh trung thu. Các con đường tại TP.HCM như Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5, xóm lồng đèn Phú Bình ở quận 11… cũng rực rỡ sắc màu. Nét mới đáng nói của mùa trung thu năm nay là bánh lạnh và lồng đèn sáng tạo.
Bánh trung thu lạnh. Ảnh: Thu Vân
Bánh lạnh đa sắc vị
Năm nay, ngoài bánh trung thu truyền thống, thị trường bánh được làm nóng với sự xuất hiện của các dòng bánh lạnh (bảo quản và dùng lạnh). Theo các nhà sản xuất, dòng bánh trung thu kiểu mới này sử dụng nguyên liệu tự nhiên, phù hợp nhiều khẩu vị, không chất bảo quản, thời hạn sử dụng từ 4 – 10 ngày. Bánh lạnh được chuộng bởi hương vị mới lạ, đa dạng, màu sắc vui tươi phù hợp với không khí Trung thu.
Về sắc màu có thể kể đến bộ sưu tập bánh năm nay của thương hiệu Đại Phát. Các mẫu bánh lung linh sắc xanh, đỏ, tím, vàng với các tên gọi như thỏ con như ý, cầu vồng, trung thu tuyết… cùng nhiều hương vị mới như càri gà, đậu xanh sò điệp, phômai… Dòng bánh trung thu tuyết của thương hiệu này có phần nhân là sự kết hợp giữa khoai môn – sữa, trà xanh – đậu đỏ, sầu riêng – đậu xanh; khá bắt mắt với ba màu xanh lá cây, tím và vàng.
Về hương vị thì bánh mochi của Nhật ưu thế với 17 loại như trà xanh, hoa anh đào, dâu, việt quất, sôcôla, chanh mật ong, sầu riêng, cam… cùng các màu tím, xanh, vàng, nâu, hồng. Bánh mochi có lớp vỏ là gạo dẻo, bên trong là nhân và kem lạnh. Vì vậy, cần bảo quản bánh trong ngăn đá tủ lạnh, sau đó mang ra ngoài đợi vỏ bánh hơi mềm, cắt ăn là ngon nhất. Chị An, nhân viên cửa hàng bánh Mochi Sweet, cho biết: “Người Nhật ăn bánh mochi vào dịp tết để mang lại may mắn nhưng ở Việt Nam bánh bán chạy vào mùa Trung thu vì bánh lạ”.
Đáp ứng nhu cầu của những người thích bánh homemade, đầu bếp Trần Thị Hiền Minh tung ra bánh trung thu lạnh ba màu với các hương vị kết hợp như dâu – đậu đỏ, lá dứa – đậu xanh, sôcôla – càphê, đậu xanh – sầu riêng. Bánh có vỏ lớp bột và phần nhân được làm chín trước, sau đó đóng vào khuôn, ăn liền hoặc giữ lạnh trong mười ngày. Đầu bếp Hiền Minh cho biết: “Bánh lạ nhưng hợp khẩu vị người Việt, có hương cốt dừa nhẹ. Tuy đầu mùa nhưng đã bán được hơn 20 hộp/ngày”.
Năm nay, bánh trung thu rau câu quen thuộc cũng được khoác thêm lớp vỏ ngoài đầy màu sắc cùng phần nhân đa dạng với mứt thơm, matcha sôcôla, rượu spy, tiramisu… thêm vị béo của trứng, sữa, bơ, kem phômai. “So với bánh truyền thống thì bánh trung thu rau câu có vị lạ, mát lạnh, dễ tiêu và rẻ hơn”, anh Tâm, chủ tiệm bánh trung thu rau câu Winwinshop, cho biết.
Giá tham khảo:
Bánh trung thu tuyết: 300.000đ/hộp/12 cái.
Bánh Mochi: 24.000 – 28.000đ/cái, 150.000 – 160.000đ/hộp/6 cái.
Bánh trung thu lạnh: 160.000 – 200.000đ/hộp/9 cái (65 – 90g).
Bánh trung thu rau câu: 140.000đ/hộp/4 cái.
Lồng đèn giấy kiếng: 5.000 – 50.000đ/cái, lồng đèn giấy: 10.000 – 30.000đ, lồng đèn pin: 20.000 – 60.000đ/cái, lồng đèn sáng tạo: 21.000 – 60.000đ/cái.
Lồng đèn sáng tạo
Các loại lồng đèn giấy, lồng đèn nhựa chạy pin, năm nay có thêm đối thủ mới: lồng đèn sáng tạo. Thực ra, lồng đèn sáng tạo Kibu đã xuất hiện từ năm ngoái, năm nay nhà sản xuất mới mở rộng thị trường.
Một cửa hàng lồng đèn trên đường Lương Nhữ Học, Q.5. Ảnh: Thu Vân
Lồng đèn sáng tạo là sự kết hợp giữa lồng đèn truyền thống và hiện đại, có chất liệu bằng giấy cứng để trẻ có thể tự lắp ráp, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo. Nhà sản xuất cũng không giấu ý đồ khai thác yếu tố kỷ niệm gia đình khi cha mẹ, con cái cùng nhau làm lồng đèn. Quản lý cửa hàng Kibu trên đường Lương Nhữ Học cho biết, ngoài 20 mẫu có sẵn, năm nay bổ sung thêm 14 mẫu lồng đèn mới. Nào là, lồng đèn thỏ hồng, ong chăm chỉ, phi công, bướm, công chúa, xe hơi, xe buýt, người nhện, người dơi… phù hợp cho các bé trai và bé gái. Lồng đèn có hai loại đế: đèn cầy và đèn pin sử dụng đèn led tiết kiệm điện năng. Thương hiệu này còn tạo điểm nhấn bằng việc tặng kèm mặt nạ và bộ tô màu để bé có thể vừa đeo mặt nạ vừa xách lồng đèn đi chơi.
MINH CÚC – NGỌC HOÀI
Theo Saigontiepthi