Không hoàn toàn làm từ cà phê
Mới đây, theo quyết định xử phạt hành chính của Thanh tra Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đắk Lắk, Công ty TNHH thương mại và du lịch Thanh Thủy, sản xuất cà phê bột nhãn hiệu Thanh Thủy, địa chỉ ở TP.Buôn Ma Thuột, phải nộp phạt 9 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Ông Nguyễn Minh Tặng, Phó chánh thanh tra Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết qua kiểm nghiệm sản phẩm, có đến 3 mẫu cà phê bột Thanh Thủy có hàm lượng caffein dưới tiêu chuẩn 1% (theo TVVN 5251:2007), gồm: sản phẩm T1 chỉ đạt 0,47%; T2: 0,37% và T3: 0,33%. Công ty này còn bị buộc tái chế 180 kg hàng không đạt chất lượng.
Ông Tặng cũng cho biết trong quý 1/2013 này, ngoài Công ty Thanh Thủy còn có 12 cơ sở, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cà phê bột ở Đắk Lắk bị xử phạt từ 2-6 triệu đồng do sản phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn. “Việc xử lý vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng trong chế biến cà phê bột mới chỉ được triển khai từ cuối năm 2012 nhưng thực tế cho thấy khá nhiều cơ sở vi phạm, tuy nhiên mức phạt tiền vẫn còn thấp do theo quy định”, ông Tặng nhận xét.
Kết quả kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản – thủy sản Đắk Lắk cũng cho thấy nhiều loại cà phê bột có hàm lượng caffein quá thấp so với tiêu chuẩn 1% như cà phê bột của cơ sở Cao Thiện Phát loại Moka chỉ đạt 0,27%, loại đặc biệt: 0,3%; cà phê Đất Việt: 0,2%; cà phê Mê Việt: 0,24%; cà phê bột Hoàng An S: 0,3%… Ngoài ra, có những cơ sở sản xuất cà phê bột nhưng không công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Theo ông Đặng Ngọc Luyện, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản – thủy sản Đắk Lắk, với sản phẩm cà phê bột, hàm lượng caffein thấp có nghĩa lượng cà phê nhân nguyên liệu dùng rang xay chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong thành phần sản phẩm.
Quản lý chất lượng còn bị bỏ ngỏ
Một số người sản xuất cà phê bột Đắk Lắk đã độn thêm các loại đậu, bắp để giảm giá thành, cạnh tranh về giá với cà phê Sài Gòn
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đắk Lắk – Bùi Quang LộcÔng Bùi Quang Lộc, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đắk Lắk, phân tích: “Hiện cà phê bột từ TP.HCM đưa lên Đắk Lắk tiêu thụ chỉ khoảng 40.000 đồng/kg; trong khi giá cà phê nhân đã là 43.000 đồng/kg.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đắk Lắk – Bùi Quang LộcÔng Bùi Quang Lộc, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đắk Lắk, phân tích: “Hiện cà phê bột từ TP.HCM đưa lên Đắk Lắk tiêu thụ chỉ khoảng 40.000 đồng/kg; trong khi giá cà phê nhân đã là 43.000 đồng/kg.
1 kg cà phê nhân rang xay xong chỉ còn được 0,6 kg cà phê bột, chưa kể các chi phí chất phụ gia, nhiên liệu, nhân công… Như vậy, một số người sản xuất cà phê bột Đắk Lắk đã độn thêm các loại đậu, bắp để giảm giá thành, cạnh tranh về giá với cà phê Sài Gòn”. Ông Lộc cho biết: “Do chưa có quy định cụ thể về kiểm nghiệm các chất phụ gia, các loại nguyên liệu khác để rang xay thành cà phê bột nên chưa thể triển khai thực hiện việc đánh giá an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cà phê bột và chất lượng thức uống pha chế từ cà phê bột tại hàng quán ở Đắk Lắk”.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk, cho biết cuối năm 2011, hội này đứng ra thực hiện đề tài khoa học “Khảo sát chất lượng cà phê bột sản xuất và lưu thông trên địa bàn Đắk Lắk”. Theo đó, kết quả nghiên cứu trên 27 mẫu cà phê bột và cà phê hòa tan ở 30 cơ sở sản xuất cho thấy, ngoài nguyên liệu cà phê nhân, có 73,3% số cơ sở dùng thêm đậu nành, 46,7% cơ sở dùng thêm bắp, 6,7% dùng thêm đậu đỏ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy về phụ gia thực phẩm sử dụng cho chế biến cà phê, có 80% cơ sở dùng caramel, 63,3% dùng tinh hoặc hương cà phê, 60% dùng bột va ni; 96,7% cơ sở dùng bơ các loại, 86,7% có dùng rượu, 3,3% cơ sở dùng nước mắm… Qua kiểm nghiệm, có 4/27 mẫu cà phê không đạt hàm lượng caffein. Theo bà Lan, mặc dù đề tài đã hoàn thành hơn một năm nay, qua nhiều lần hội thảo nhưng các cơ quan quản lý ở Đắk Lắk chưa đồng ý công khai đầy đủ các số liệu khảo sát trên.